Ngày 24-3, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) và nhiều ĐBQH đánh giá cái được lớn nhất của 5 năm qua là ứng phó với những bất ổn. Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược có nhiều kết quả, nhất là đầu tư về hạ tầng, tăng được sức cạnh tranh. Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay vẫn còn quá nhiều yếu kém, đòi hỏi trong 5 năm tới phải có những giải pháp đột phá.
ĐBQH Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 24-3
Dân chưa yên tâm sinh sống
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) băn khoăn: Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tuy vẫn nằm trong giới hạn nhưng con số tuyệt đối là rất đáng ngại. Nợ nước ngoài đã trên 80 tỷ USD, rất lớn. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) thẳng thắn, thành tựu mà báo cáo nêu nếu đúng thì như ý kiến của ĐBQH nói “thế thì hồng phúc cho dân quá”. Nhưng thực sự, dân đang lo nợ nước ngoài; bội chi cao, chi thường xuyên tới 4.000 tỷ đồng/năm; tốn 3 tỷ USD bia rượu/năm… ĐB Phạm Đình Thường (Thái Bình) bức xúc với tình trạng lãng phí. “Cử tri và ĐBQH đều rất sốt ruột. Cảng biển Cái Mép - Thị Vải đầu tư 40.000 tỷ đồng nhưng mới khai thác được 20%, vậy là khoản đầu tư 32.000 tỷ đồng chưa khai thác được gì. Hay như dự án đường sắt ở Quảng Ninh đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nhưng một ngày chỉ bán 1 vé du lịch... Vậy những dự án đầu tư đó hiệu quả dựa trên cơ sở nào? Ai chịu trách nhiệm khi không hiệu quả? Trong khi đó, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội còn thấp thì việc lãng phí hàng ngàn tỷ đồng là điều khó chấp nhận”, ĐB Phạm Đình Thường trăn trở.
ĐB Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nhiệm kỳ 2011 - 2015 là giai đoạn đối phó và khắc phục khó khăn. Đầu nhiệm kỳ hầu hết chỉ tiêu, kế hoạch xây dựng không phù hợp. Khó khăn bên ngoài lớn. Khó khăn không phải do nhiệm kỳ này mà tích tụ từ những nhiệm kỳ trước. Những cố gắng quyết tâm của Chính phủ đã đạt được kết quả ghi nhận nhưng chưa đủ đưa đất nước thoát khỏi khó khăn. Một số khó khăn tiếp tục chuyển sang nhiệm kỳ tới đây, chưa tạo sự ổn định để nền kinh tế phát triển. Điều đáng lo ngại, nguy cơ hiện rõ, ai cũng phải thừa nhận là không thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế 2011 - 2020. Theo ĐB Vũ Viết Ngoạn, chúng ta đặt mục tiêu năm 2020 đưa năng suất lao động tổng hợp trong GDP tăng từ 29% lên 35%. Đó có thể là sự cố gắng nhưng chỉ tiêu như vậy thì kinh tế Việt Nam cũng chỉ loanh quanh, luẩn quẩn như Philippines. Các nước muốn vượt qua được bẫy thu nhập trung bình thành phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... cơ cấu của họ là 50% - 60% GDP. “Chúng ta có can đảm để có tầm nhìn khác? Quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa để đặt lại chỉ tiêu, mục tiêu? Tôi cho rằng cần phải hun đúc lòng tự tôn dân tộc thành hành động để đặt mục tiêu cao hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế, cử tri đều mong muốn để vượt qua thách thức thu nhập của nước trung bình”, ĐB Vũ Viết Ngoạn nói.
Theo ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận), điều quan tâm trong nhiệm kỳ vừa qua là vấn đề quản lý, dự báo. Các tổ chức quốc tế đã nói Việt Nam là 1 trong 6 nước chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, nhưng nay bị ngập tràn lan thì chúng ta mới lo. Bị mặn hóa thì bao lâu mới khắc phục vựa lúa ĐBSCL? Chúng ta không có phương án phòng chống, cũng không thấy nói nhiều đến dự báo diễn biến sắp tới ra sao. Công tác dự báo của chúng ta kém, không lường trước được, chỉ lo công tác chống. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) thì cho rằng, nếu không có tầm nhìn dài hạn với vựa lúa ĐBSCL này thì nguy cơ mất là điều hoàn toàn có thể bởi khu vực này đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; các nước xây đập ở đầu nguồn gây cạn kiệt nguồn nước... Ở khía cạnh khác, ĐB Phạm Đình Thường nêu, tình hình an ninh trật tự hiện nay khiến người dân không yên tâm sinh sống. Trước kia người dân chỉ lo bị cướp giật ở đường vắng vẻ, nay thì ở bất kỳ đâu, kể cả ngay trong nhà mình. “Các loại tội phạm diễn biến phức tạp song báo cáo nêu rất hay nhưng khi tiếp xúc cử tri thì mới thấy không đơn giản. Lòng tin người dân vào cán cân công lý, sự công bằng giảm sút, họ thiếu tin tưởng khi mà tình trạng tiêu cực diễn ra nhiều. Nếu đánh mất lòng tin thì không đảm bảo xã hội tốt được”, ĐB Phạm Đình Thường nói.
“Người dân Việt Nam ta tuổi thọ ngày càng cao nhưng chất lượng sống lại thấp, sức khỏe đối mặt nhiều vấn đề, bệnh tật lắm”, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) hướng về Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gửi gắm ý kiến này.
Giải quyết “thách thức kép”
Từ thực tế hiện nay, rất nhiều ĐBQH đã hiến kế để phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới. Các ĐBQH đều cho rằng, các giải pháp phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và biến đổi khí hậu gay gắt. ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế chúng ta đang tập trung cho kinh tế thị trường mà thiếu đi vấn đề thể chế về mặt an dân. Theo đó, phải lo vấn đề an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông (còn đáng sợ hơn khủng bố), chống buôn lậu, hàng giả... Tái cơ cấu nông nghiệp phải hiệu quả trong bối cảnh gia nhập TPP, biến đổi khí hậu. Đầu tư phải quản lý chặt chẽ về đầu tư ODA, đầu tư công để giảm nợ công, kiềm chế nợ nước ngoài. Theo ĐB Trần Du Lịch, thử thách trong 5 năm tới là phải tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp một cách căn bản để thay đổi tình hình. Bởi nông nghiệp hiện nay bên cạnh rủi ro về thị trường đang có nhiều rủi ro với biến đổi khí hậu. Đó là thách thức kép đòi hỏi chúng ta phải vượt qua. Thách thức lớn thứ 2 là hội nhập quốc tế, đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Bất ổn lớn trong 5 năm qua của nền kinh tế Việt Nam là phát triển đầu tư có vốn nước ngoài (FDI) và trong nước với 2 tốc độ rất khác nhau. “Nếu không giải quyết được mâu thuẫn này thì nền kinh tế rất bất ổn, bởi dù có hội nhập thế nào đi nữa thì nội lực vẫn phải là quyết định, là DN trong nước. Không một nền kinh tế nào vững mạnh nếu nhờ FDI. Thực tế, chúng ta đang có nguy cơ mất phân phối nội địa. Ai nắm phân phối, người đó chi phối sản xuất. Các DN phân phối trong nước đang phải rất chạy đua giành giật”, ĐB Trần Du Lịch chỉ rõ. Thứ ba là thách thức về cải cách thể chế do cải cách nền hành chính chưa hiệu quả, áp lực nợ công quá lớn một phần do cơ chế về đầu tư công dẫn đến cơ chế xin cho.
ĐB Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM đồng tình với thách thức kép của chúng ta trong 5 năm tới trong lĩnh vực nông nghiệp mà ĐB Trần Du Lịch chỉ ra. Nông nghiệp công nghệ cao đã có chủ trương, chính sách, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay đòi hỏi chúng ta phải cấp bách triển khai nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Phải có giải pháp mạnh mẽ, đột phá để giải quyết. Cơ chế chính sách đã có, còn lại là vấn đề kỹ thuật, đầu tư nguồn lực. Với đội ngũ của chúng ta hiện nay, cộng thêm cơ chế, huy động nguồn lực là điều chúng ta hoàn toàn làm được kể cả trong vấn đề giống, chế biến sâu, bảo quản... Ngoài ra, rất nhiều đối tác quốc tế sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp.
Tuy đồng tình với mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong 5 năm tới, nhưng ĐB Trần Du Lịch cho rằng, nếu muốn rút ngắn khoảng cách với các nước thì phải tính toán mục tiêu công nghiệp hóa để tính lại nguồn lực để có thể đạt tới mức tăng GDP phù hợp, bảo đảm sau 10 năm, GDP tuyệt đối phải tăng gấp đôi. Tái cơ cấu nông nghiệp thì phải thực hiện thực tế. Ví dụ nói đầu tư cho ngư nghiệp nhưng đến nay chưa xây dựng được các trung tâm nghề cá, các đội tàu hậu cần hiện đại. Biến đổi khí hậu gay gắt khiến phải đặt ra việc tái cơ cấu nông nghiệp, thay đổi cây trồng. Hội nhập quốc tế phải tính để tránh bẫy tự do thương mại, không tận dụng được cơ hội lại bị xâm nhập thị trường, chúng ta phải tính từng đối tượng DN cụ thể, Nhà nước phải là “bà đỡ” thực sự, không thể khoán trắng cho DN được. Muốn DN cạnh tranh thành công thì đầu tiên phải cạnh tranh quốc gia và đó là vấn đề của Nhà nước.
| |
PHAN THẢO - NGỌC QUANG