Bốn nút thắt

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, ngành chăn nuôi có 4 “nút thắt” cần được tháo gỡ. Đó là: Giống; thức ăn chăn nuôi; hệ thống tổ chức sản xuất và việc quản lý nhà nước.

Hiện nay, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65% -70% giá thành sản phẩm, con số này ở Mỹ là khoảng 50%. Dù giá thành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện thấp hơn các nước trong khu vực ASEAN, kể cả Trung Quốc (do nước này bảo hộ ngành sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước nên áp dụng quota và các thuế xuất để hạn chế nhập khẩu) nhưng vẫn cao hơn Thái Lan (do họ có vùng sản xuất nguyên liệu trong nước khá dồi dào và nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ gần hơn nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển so với Việt Nam, phải mua từ Mỹ, Argentina, Brazil…).

Câu hỏi đặt ra, giá thành chế biến thức ăn chăn nuôi có thể giảm được nữa không? Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trước đây mặt hàng này chịu 3 loại thuế: nhập khẩu, giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập doanh nghiệp (DN). Do phần lớn lượng nguyên liệu bắp và gần như 100% đậu nành đều phải nhập khẩu nên từ đầu năm 2015, nhà nước miễn thuế VAT đối với các nguyên liệu nhập khẩu thay vì 5% như trước đó. Theo các DN chế biến thức ăn chăn nuôi, chỉ có thể giảm 2,5% - 3,5% giá bán sản phẩm do DN vẫn phải chịu các khoản thu VAT từ chi phí vận chuyển tăng, giá điện, giá nước, chi phí máy móc hay thiết bị… nên giá thức ăn chăn nuôi không thể giảm 5% tương xứng như suy nghĩ và mong muốn ban đầu của các nhà làm luật. Trong chế biến thức ăn chăn nuôi có từ 20 - 22 loại nguyên liệu, phần lớn DN chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn phải nhập khẩu không chỉ bắp, đậu nành mà còn các loại phụ gia như vitamin, khoáng chất các loại, hoạt chất… Nếu nhà nước áp dụng miễn thuế suất cho tất cả các loại nguyên liệu bổ sung dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi thì giá sản phẩm đầu ra có thể giảm 7% - 8%. Thế nhưng, các chuyên gia trong ngành đều nhận định, việc giảm giá khi bỏ thuế VAT thời gian qua chủ yếu là do giá nguyên liệu nhập khẩu cũng sụt giảm cùng thời điểm, nên các DN nhân cơ hội này giảm theo! Nếu có công cụ kiểm soát về giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi để đảm bảo lợi ích phân phối đúng đối tượng mà chính sách hướng đến thì giá bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã còn có thể còn giảm hơn.

Trong khi đó, do nhà quản lý vẫn “tù mù” về giá thành, tỷ suất lợi nhuận, cũng như chưa có biện pháp hiệu quả trong việc hạn chế tình trạng neo giá, làm giá của các DN chế biến thức ăn chăn nuôi, khiến cho việc định giá bán cao hơn mức giá cạnh tranh, gây thiệt hại người chăn nuôi và người tiêu dùng. Qua khảo sát, người chăn nuôi phải trả thêm 100 đồng/kg khi mua thức ăn chăn nuôi, thiệt hại của xã hội lên đến 600 đồng/kg. Ngoài ra còn có những chi phí vô hình khác như: Chi phí khấu hao lớn, thời gian khấu hao thiết bị ngắn (chỉ 5 năm, ở Thái Lan là 10 năm). Điều này giúp DN được lợi do thu hồi vốn nhanh, nhưng làm chi phí giá thành thức ăn chăn nuôi tăng thêm. Hay chi phí khuyến mãi, chiết khấu chiếm 6% - 10% giá thành… Các chi phí này làm giá các sản phẩm đến tay người chăn nuôi bị đội lên thay vì giảm xuống, khiến các sản phẩm chăn nuôi trong nước bị giảm sức cạnh tranh.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục