Bông Sen giữa lòng thành phố

Kỷ niệm 50 năm thành lập Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen TPHCM (1961 - 2011), chúng ta không thể quên sự ra đời của Đoàn múa hát Giải Phóng thuộc Ban Tuyên huấn TƯ Cục miền Nam tại chiến khu miền Đông Nam bộ.
Bông Sen giữa lòng thành phố

Kỷ niệm 50 năm thành lập Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen TPHCM (1961 - 2011), chúng ta không thể quên sự ra đời của Đoàn múa hát Giải Phóng thuộc Ban Tuyên huấn TƯ Cục miền Nam tại chiến khu miền Đông Nam bộ.

Trong những năm tháng gian khổ khói lửa ấy, anh chị em nghệ sĩ của Đoàn múa hát Giải Phóng đã đem tiếng đàn, câu hát, điệu múa đi khắp các chiến trường miền Đông phục vụ chiến sĩ đồng bào miền Nam. Thời kỳ hưng thịnh nhất của đoàn là vào năm 1967. Một số anh chị em nghệ sĩ được huy động từ nhiều nguồn như: Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - Trường Âm nhạc Việt Nam - Đoàn ca múa Nhân dân TƯ… đã tạo nên một diện mạo mới chuyên nghiệp hơn, chính quy hơn.

Đỉnh điểm hoạt động của Đoàn múa hát Giải Phóng là sự tham gia vào chiến dịch tổng tiến công nổi dậy của quân dân miền Nam mùa xuân năm 1968 lịch sử cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước.

Buổi biểu diễn của Đoàn múa hát Giải Phóng trong chiến khu.

Buổi biểu diễn của Đoàn múa hát Giải Phóng trong chiến khu.

Tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Đoàn ca múa miền Nam ra đời nhằm phục vụ cho mặt trận đối ngoại, đem nghệ thuật cách mạng giới thiệu với nhân dân trên thế giới, không những thế anh chị em còn vào biểu diễn phục vụ tuyến lửa, các trận địa phòng không thời giặc Mỹ đánh phá ác liệt ở miền Bắc...

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng Đoàn múa hát Giải Phóng và Đoàn ca múa miền Nam được sáp nhập mang một diện mạo mới: Đoàn Nghệ thuật Bông Sen TPHCM và cho tới ngày nay được nâng lên một đẳng cấp mới, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và mang một màu sắc đặc trưng của riêng mình: Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen - một đoàn nghệ thuật chính thống của TPHCM.

Có thể nói rằng: Chưa có một đoàn nghệ thuật nào như Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen có được các thế hệ nghệ sĩ được trui rèn, trưởng thành trong máu lửa của chiến tranh cách mạng. Đó là niềm tự hào cho thế hệ nghệ sĩ hôm nay. Và cũng là niềm tự hào khi nhà hát có được một đội ngũ nghệ sĩ tên tuổi như Hồ Bông, Thanh Trúc… (nhạc sĩ), Tô Lan Phương, Duy Nãi… (ca sĩ), Việt Cường, Thái Ly, Minh Nguyệt… (múa) của Đoàn múa hát Giải Phóng hay Đức Nhuận, Đỗ Lộc, Kim Anh… của Đoàn ca múa miền Nam sau này, kế tiếp lực lượng nghệ sĩ trẻ tên tuổi trưởng thành ngay tại thành phố như: Cẩm Vân, Cao Minh, Tuấn Phong, Quang Lý…

Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen hôm nay ngày một trưởng thành với những nghệ sĩ nối tiếp có tài năng từ miền Bắc cũng như được đào tạo chính quy từ nước ngoài như: Đặng Hùng, Vương Linh, Linh Nga, Đoan Trinh, Phương Bảo, Thúy Vân, Trần Chính, Hữu Đức, Trung Hiếu, Long Phi, Đặng Nhật Minh…

Tự hào với truyền thống 50 năm của mình qua Chương trình biểu diễn mang tên Bông Sen trong lòng TPHCM, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen sẽ mãi tỏa ngát hương thơm, tự hào là con chim đầu đàn trong lãnh vực nghệ thuật dân tộc - hiện đại của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. 

Nhạc sĩ TRẦN MÙI
(Đoàn múa hát Giải Phóng)

Tin cùng chuyên mục