Bữa ăn kham khổ của công nhân

Viện Dinh dưỡng quốc gia vừa công bố cuộc khảo sát chất lượng bữa ăn của công nhân ở các công ty vùng Đông Nam Bộ, theo đó, bữa ăn tại nhà trọ phổ biến ở mức chỉ 3.000 đồng/suất. PV Báo SGGP đã đi khảo sát để xem bữa ăn tối tự nấu tại nhà trọ của công nhân...
Bữa ăn kham khổ của công nhân

Viện Dinh dưỡng quốc gia vừa công bố cuộc khảo sát chất lượng bữa ăn của công nhân ở các công ty vùng Đông Nam Bộ, theo đó, bữa ăn tại nhà trọ phổ biến ở mức chỉ 3.000 đồng/suất. PV Báo SGGP đã đi khảo sát để xem bữa ăn tối tự nấu tại nhà trọ của công nhân...

Thực phẩm sơ chế giá rẻ

Sau mấy ngày rảo quanh chợ tự phát gần các khu công nghiệp (KCN), chúng tôi ghi nhận thực phẩm ở những nơi này dù kém tươi nhưng được sơ chế và giá khá rẻ nên vẫn được công nhân chọn mua. Rõ nhất là những quầy bán cá biển. Chúng tôi quan sát thấy chủ yếu mặt hàng cá ở đây là cá nục, cá hường loại nhỏ đã vỡ bụng, tái nhợt, được lấy ra từ các thùng đá, người bán nhanh tay cắt bỏ phần đầu và bụng, chỉ để lại phần lườn và đuôi, rửa qua nước rồi đặt lên khay, giá khoảng 25.000 đồng/kg (13 con). Tương tự, một số loại cá như rô phi, điêu hồng, basa đã chết từ lâu cũng làm sẵn cắt khúc để tiện bán lẻ.

Ở phía hàng rau, những loại rau “sang” như bông cải, su su, củ dền, su hào, ớt Đà Lạt... được cắt gọt sẵn rồi trộn vào nhau, chia thành từng bịch để bán, chỉ 5.000 đồng là có một bữa đồ xào hấp dẫn. Thế nhưng, ít người tận mắt nhìn thấy những món rau củ bắt mắt như vậy lại được cắt ra từ những sản phẩm đã hư thối. Trong khi đó, thực phẩm ở quầy thịt heo bày bán những dây thịt đã ngã đỏ khô khốc hoặc tái nhợt do ướp đá. Đậu phụ cũng được nhúng qua chậu nước nóng để xả bớt mùi trước khi ướp sả, bán với giá 1.500 đồng/miếng.

Dù là rau cũ nhưng công nhân thường chọn mua vì giá rẻ

Chị Phạm Hồng Hoa, công nhân Công ty Nam Phát (KCN Tân Tạo), cho biết: “Tôi hay mua mấy loại cá nhỏ về nấu cho nhanh, hơn nữa cá này rất rẻ mà lại làm sẵn rồi, chỉ 10.000 đồng được khoảng 5 con là đủ bữa”. Khi được hỏi có biết cá kém tươi, chị Hoa thành thật: “Tôi biết chứ, cá tươi ai cắt bỏ nhiều bụng vậy, chúng tôi chấp nhận giá rẻ thì không thể đòi hỏi tươi ngon được. Mỗi bữa cơm tối cho cả phòng 4 người chỉ có tiêu chuẩn 20.000 đồng, chia sao cho đủ tương cà, mắm muối, gạo, gas các kiểu, nên thường chọn thực phẩm rẻ”. Cũng vì tiết kiệm, chị Nguyễn Thu Sang, công nhân Công ty Latek (KCX Linh Trung 1) cho hay chị phải chấp nhận mua rau héo úa, dù người bán đã thành thật cho biết rau ế từ hôm trước để lại.

Ít quan tâm đến bữa ăn

Ghé thăm công nhân tại xóm trọ trên đường Hoàng Diệu 2 (Thủ Đức) khi vào giờ cơm chiều, chúng tôi tận mắt thấy hầu hết mâm cơm của các phòng đều khá sơ sài. Thực phẩm trong bữa ăn chủ yếu là rau và một món mặn như trứng, cá hoặc khô, đậu phụ; nhà nào có con nhỏ mới gắng có thêm ít thịt xay rim mặn. Làm tại một công ty có mức thu nhập khá, chị Dương Thị Tâm, Xí nghiệp Vimiky (Thủ Đức), cho biết: “Cả tăng ca thì lương chúng tôi cũng chỉ hơn khoảng 4 triệu đồng/tháng nên ăn uống qua loa sao cho tiết kiệm tối đa là được, thường bữa tối đi chợ trung bình 20.000 đồng/bữa cho 4 người”. Anh Đặng Duy Mạnh, Công ty Dasin (KCX Tân Thuận), nổi tiếng cả dãy trọ vì khéo chi tiêu. Lương chỉ 3,4 triệu đồng nhưng đều đặn anh phải gửi về quê cho vợ 2 triệu đồng để chăm con mới sinh. Chỉ còn 1,4 triệu đồng, anh Mạnh lo được cả tiền ăn ở, đi lại của bản thân. Tuy nhiên, ai cũng phải ái ngại vì thấy càng ngày anh càng ốm xanh hơn trước, dù mới 28 tuổi.

Thanh niên sức dài vai rộng đã đành, nhiều phụ nữ đang mang thai nhưng bữa cơm cũng chỉ có đậu phụ. Với họ, tiết kiệm được bao nhiêu tiền để lo toan cho gia đình, lo tiền sinh đẻ mới là quan trọng. Chị Trịnh Minh Hòa, Công ty Keen Ching (KCX Tân Thuận), tâm sự: “Nhiều lúc cũng thèm con cua bể hoặc miếng thịt bò, vài thứ quả ngon, nhưng lại nghĩ ăn một con cua là bằng nửa hộp sữa của con sau này nên đành thôi. Bác sĩ cũng cảnh báo thai nhỏ, phải tăng chất dinh dưỡng nhưng ăn sang thì sao có tiền ở cữ”. Hay như gia đình chị Võ Phương Hoa, công nhân Xí nghiệp Vimiky (Thủ Đức), tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 8 triệu đồng, trừ tiền nhà, điện, nước và chi phí học hành cho cô con gái 5 tuổi thì chẳng còn là bao, nên bữa ăn nào cũng chỉ có trứng hoặc đậu phụ. Từ khi gửi con về quê, chồng chuyển ra sống riêng, cả năm nay chị ăn chay với rau và nước tương để có thêm tiền gửi về nhờ ông bà lo cho con ăn học.

Mới đây, trong một chương trình tư vấn dinh dưỡng cho nữ công nhân tại Công ty Pou Yuen, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, khuyến cáo: “Tình trạng người lao động, đặc biệt là nữ công nhân bị thiếu vi chất dinh dưỡng đang ở mức báo động. Với thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, giảm năng suất lao động mà còn ảnh hưởng đến thể chất, sức khỏe của thế hệ tương lai người Việt”.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục