Búa thứ ba của Trình Giảo Kim

1.
Búa thứ ba của Trình Giảo Kim

1. Những ngày này, huấn luyện viên Fabio Capello đang khốn đốn. Những tuần lễ qua, đội Real Madrid của ông đang mỏi mắt kiếm tìm chiến thắng trong vô vọng.

Trận thua 0-2 trước Deportivo La Coruna kéo dài thêm chuỗi thành tích nghèo nàn của đội bóng từng được coi là xuất sắc nhất thế kỷ, giống như giọt nước tràn ly và các quan chức của Real gần như đã vét đến gam kiên nhẫn cuối cùng để không sa thải ông ngay lập tức.

Búa thứ ba của Trình Giảo Kim ảnh 1

HLV Riedl trong chiến dịch tìm vàng: “bất quá tam” !

Không sa thải Capello nhưng ông Ramon Calderon, chủ tịch CLB Real Madrid, lại tuyên bố với báo giới “Chúng tôi sẵn sàng rước Mourinho đến sân Bernabeu nếu ông ta không thể ở lại sân Stamford Bridge. Chúng tôi đã soạn hợp đồng đặt sẵn trên bàn, ông ấy chỉ việc đến, ngồi xuống và ký”. Nói như vậy có khác nào bảo Capello liệu mà cuốn gói khỏi Real.

Nhưng Capello là ai? Đó là một trong những huấn luyện viên nổi tiếng nhất thế giới. Được coi là con người của chiến thắng, là chuyên gia sưu tập các danh hiệu, chỗ nào ông chạm tay vào đều biến thành vàng.

Trong suốt cuộc đời giang hồ của mình, Capello chưa bao giờ đối diện với cái gọi là “bị sa thải”. Ông từng dẫn dắt Real Madrid ở mùa bóng 1996-1997 và sau khi giành chức vô địch La Liga, ông đột ngột ra đi theo kiểu cách hào sĩ phương Đông “sự liễu phất y khứ” - việc xong, phất tay áo ra đi.  Mặc cho các quan chức Real Madrid năn nỉ, ông vẫn kiên quyết chọn lối ứng xử “công thành thân thoái”.

Mười năm sau Capello quay lại với tư cách là vị cứu tinh được cả thành Madrid chờ đợi, nào ngờ lần này công chưa thành, thân đã sắp thoái. Mà không phải tự thoái, mà bị bức thoái, nói nôm na là bị sa thải, buồn ơi là buồn!

2. Số phận của các huấn luyện viên bóng đá, cũng giống như bản thân trái bóng, không thể đoán trước là nó sẽ lăn theo hướng nào. Trong môn chơi này, quá khứ không hề là một bảo đảm cho hiện tại lẫn tương lai. Các huấn luyện viên không thể chỉ tay vào các ngân hàng Thụy Sĩ để quảng cáo về những thành tích đã đóng gói của mình.

Cái tài năng mà các ông chủ CLB cần ở một huấn luyện viên phải có giá trị như tiền mặt, trực tiếp, nhãn tiền, có khả năng tiêu dùng tức thời, mua chức vô địch được ngay, không chỉ vô địch trong nước mà còn vô địch châu Âu.

Thế mới căng! Đã có bao nhiêu huấn luyện viên lừng danh bị cho về vườn vì không đạt được mục tiêu của các ông chủ câu lạc bộ, mà muốn liệt kê cho đầy đủ tên tuổi những con người bị thất sủng này có lẽ phải cần một cuốn sách dày ngang bộ từ điển Oxford.

Capello thực ra là người có nhãn quan chiến thuật sắc bén. Đem các bậc thầy phòng thủ như Cannavaro, Emerson, Diarra về sân Bernabeu chính là cách hợp lý để củng cố khu vực được coi là điểm yếu kinh niên của Real Madrid. Nhưng sự đời đôi lúc vận hành không như sự tính toán của con người.

Ngay cả huấn luyện viên Rijkaard cũng đang thất vọng với ngôi sao phòng thủ Thuram và huấn luyện viên Mourinho bên kia biển Manche cũng đang khổ lên khổ xuống với ngôi sao tấn công Shevchenko đó thôi.

3. Lại nói về Mourinho, người tự xưng là “special one” - nhân vật đặc biệt. Mourinho tự xưng như vậy có thể là cách “xù lông nhím” để đối phó với báo giới Anh vốn nổi tiếng hay cà khịa. Nhưng thực ra ông cũng không nói ngoa. Mới chân ướt chân ráo đến Anh, Mourinho đã lập tức đem về sân Stamford Bridge chức vô địch quốc gia sau 50 năm bặt vô âm tín.

Năm thứ hai, ông lại chiến thắng ở giải Premier League một lần nữa, lần này còn thuyết phục hơn. Ở Champions League, Chelsea một lần vào tứ kết, một lần vào bán kết. Với một nhà cầm quân mới bắt tay vào việc có hai năm, không thể nói khác: đó là thành tích thuộc loại “đặc biệt”. Mourinho nhanh chóng đứng vào hàng ngũ các huấn luyện viên xuất sắc nhất thế giới và trở thành một nhân vật bất khả xâm phạm ở sân Stamford Bridge.

“Bất khả xâm phạm” cũng chính là từ Mourinho ưa dùng để nói về các cầu thủ con cưng của mình: Makelele bất khả xâm phạm, Terry bất khả xâm phạm, Drogba bất khả xâm phạm, Lampard bất khả xâm phạm... Éo le ở chỗ, Mourinho lại không phải là người bất khả xâm phạm, mặc dù ai cũng tưởng như vậy.

Chelsea chỉ cần tụt sau Manchester United 6 điểm ở giải Anh, chỉ cần hòa liên tiếp 4 trận khi Terry vắng mặt, thái độ của ông chủ Abramovich đã khác “Mourinho chưa bao giờ là bạn tôi”, “Tôi sẽ không bỏ ra một xu nào nữa ở kỳ chuyển nhượng mùa đông sắp tới”. Cũng như Capello khi nghe lời phát biểu của ông chủ Calderon, Mourinho nghe những lời này của Abramovich chắc cũng là cay đắng lắm.

Thực ra cho đến nay vẫn chưa có gì rõ ràng về số phận của Mourinho. Thay thế Mourinho bằng Hiddink như lời đồn đoán hổm rày trên báo chí là một canh bạc mạo hiểm, chưa chắc Abramovich đã dám xóc bài. Nhưng ở sân Stamford Bridge chắc chắn phải có lửa thì ở tuốt bên sân Bernabeu người ta mới nhìn thấy khói. Chứ đâu phải tự nhiên mà ông Calderon nói khơi khơi về sự chiêu dụ Mourinho.

Tóm lại, nếu cuối cùng điều đó xảy ra có nghĩa là ông Capello bị sa thải để ông Mourinho tới thế chỗ sau khi ông này... bị Chelsea sa thải. Và ông Capello có lẽ sẽ tới thế chỗ một ông huấn luyện viên vừa bị sa thải nào đó. Ngẫm ra trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp, điều đó thiệt cũng quá đỗi bình thường.

Chỉ có ở Việt Nam là vui: chúng ta sa thải một ông HLV đội tuyển để mời ông Riedl, rồi sa thải ông Riedl để mời một ông khác rồi sa thải cái ông khác đó để mời lại ông Riedl để rồi sau đó tiếp tục sa thải ông Riedl để mời một ông khác nữa, rồi như một chiếc xe trượt theo đường vòng mà không làm sao thắng lại được chúng ta lại chí thú sa thải cái ông khác nữa đó để hào hứng mời lại chính ông Riedl...

Trình Giảo Kim đời nhà Đường khi lâm trận chỉ giỏi ba búa đầu. Búa thứ ba mà không thắng thì thôi, tới búa thứ tư là yếu xìu, quay đầu bỏ chạy. Riedl hai lần trước “búa” trúng chiếc huy chương bạc. Để xem lần thứ ba ông có “búa” trúng vàng, chứ lần thứ tư thì chắc là không mong gì nữa!

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục