Phim chiến tranh đóng vai trò quan trọng trong di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam

Phim đề tài chiến tranh là một phần rất quan trọng trong di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã chứng minh được giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật với thời gian.

Chuyên gia cùng thảo luận tại hội thảo
Chuyên gia cùng thảo luận tại hội thảo

Ngày 2-7, trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 (DANAFF 3) diễn ra Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025)”.

Phim chiến tranh phải có chiều sâu

Chia sẻ tại hội thảo, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết, một bộ phim chiến tranh tốt cần tái hiện trung thực bối cảnh, sự kiện và nhân vật; phản ánh sự thật lịch sử, không bóp méo hay tô hồng quá mức. Phải cho người xem thấy được tính hai mặt của một cuộc chiến, thấy cả vinh quang và bi kịch của chiến tranh.

Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, phim không chỉ kể chuyện đánh đấm, giết chóc, mà còn đi sâu vào cuộc đời, sự hy sinh, hoặc dũng cảm, hoặc đớn hèn và lựa chọn cá nhân của mỗi người - điều tạo nên sự thuyết phục mạnh mẽ chính kiến của mỗi nhân vật trong mỗi tình huống, mỗi sự kiện trong chiến cuộc mà nhân vật phải trải qua. Từ đó khắc họa nên bản ngã, số phận mỗi nhân vật trong bối cảnh mà câu chuyện phim tiếp cận.

BUITUANDUNG.jpeg
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ tại hội thảo

Phim chiến tranh càng có chiều sâu khi đi vào tâm lý, bi kịch và cảm xúc của từng con người trong một guồng quay khốc liệt, trong đó người lính không chỉ là công cụ chiến đấu mà còn là người cha, người anh, người con, người của tình yêu thương gia đình mà họ thuộc về…

“Sau cùng, giá trị của một bộ phim không nằm ở danh tiếng đạo diễn, diễn viên, hay sự đầu tư hoành tráng mà nằm ở sự tác động về cảm xúc và tư tưởng thẩm mỹ mà tất cả các giá trị kể trên mang lại.

Và một bộ phim chiến tranh giá trị nhất là phim khiến người ta xem xong im lặng, không phải vì sốc, mà vì thấm. Thấm về nỗi đau, sự mất mát, lòng yêu nước, và khát khao sống trong một thế giới không còn tiếng súng”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhấn mạnh.

Tương tự, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười cũng bày tỏ nhiều quan điểm trong tham luận “Đề tài chiến tranh luôn hấp dẫn các nhà làm phim”; bởi chất liệu phong phú, hấp dẫn, đầy khốc liệt với sự hy sinh và mất mát.

"Mỗi bộ phim đã cố gắng chuyển sang khai thác những góc nhìn nhân văn hơn, đi sâu vào tâm lý nhân vật và những góc khuất của đời người với cái nhìn cảm thông sâu sắc. Chú trọng khai thác chiều sâu tâm lý đã tạo nên sự sinh động, đa chiều cho nhân vật. Sự thay đổi này phản ánh một xu hướng tự nhiên của nghệ thuật, khi xã hội trở nên cởi mở, cho phép các nhà làm phim khám phá những khía cạnh phức tạp của cuộc sống, từ đó tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, chạm được đến cảm xúc của khán giả và tạo sức hút kéo người xem đến rạp", đạo diễn Nguyễn Hữu Mười nêu.

Lan tỏa lòng yêu nước

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện phim Việt Nam cho biết, viện hiện đang bảo quản một khối lượng lớn phim chiến tranh sản xuất trước và sau năm 1975. Viện đã và đang thực hiện nhiều hoạt động giới thiệu, phổ biến những tác phẩm điện ảnh cách mạng này đến hàng triệu lượt khán giả trong nước và quốc tế.

Theo bà Hà, tại DANAFF 3 lần này, có 18/22 bộ phim chiến tranh đặc sắc sản xuất trong giai đoạn từ năm 1977 đến nay, lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam, đã được lựa chọn trình chiếu phục vụ tại nhiều hệ thống rạp ở TP Đà Nẵng.

“Các bộ phim đề tài chiến tranh sản xuất sau ngày đất nước thống nhất, cả phim truyện lẫn phim tài liệu, luôn được đón nhận nồng nhiệt và nhận được sự đánh giá tích cực về chất lượng nghệ thuật từ khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Những bộ phim này không chỉ mang tính giải trí mà còn có ý nghĩa giáo dục, lan tỏa lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, khát vọng xây dựng đất nước”, bà Hà chia sẻ.

IMG_8114.JPG
Quang cảnh buổi hội thảo

Trong chiến tranh, đội ngũ những nhà làm phim đã trưởng thành đi qua thực tế cuộc chiến đấu của dân tộc, đề tài chiến tranh được thể hiện xuất sắc, chân thực qua từng tác phẩm và được các nghệ sĩ điện ảnh coi như một sự báo đáp tinh thần, lòng tri ân đối với đất nước, những người đã ngã xuống vì sự độc lập, tự do của Tổ quốc.

Không chỉ vậy, phim đề tài chiến tranh là một phần rất quan trọng trong di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã chứng minh được giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật với thời gian, cũng như những đóng góp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên chiến tuyến, từ đó hàn gắn vết thương chiến tranh, tăng cường hợp tác hữu nghị.

Tin cùng chuyên mục