Bảo tàng nghệ thuật của các nhà sưu tập cá nhân giàu có đang mọc lên như nấm sau mưa tại châu Á. Philip Dodd, thành viên ban cố vấn Hội chợ nghệ thuật quốc tế Hồng Công (Art HK), cho biết việc các viện bảo tàng tư nhân phát triển là biểu hiện của sức mạnh kinh tế đang dịch chuyển từ Tây sang Đông.
Oei Hong Djin, ông trùm ngành thuốc lá Indonesia vừa mở Viện Bảo tàng OHD tại TP Magelang, cho biết Indonesia không có bảo tàng nhà nước, chính phủ không kiểm soát trực tiếp. Vì vậy, những nhà sưu tập cá nhân lãnh trách nhiệm này. Viện Bảo tàng OHD được thành lập tại Java với khoảng 1.500 tác phẩm nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ Indonesia.
Ông Djin sưu tập lượng tác phẩm khổng lồ này trong hơn 50 năm qua. Ngoài ông Djin, Indonesia còn có rất nhiều nhà sưu tập cá nhân nổi tiếng khác, trong đó có Budi Tek - người được Tạp chí Art+Auction có trụ sở tại New York (Mỹ) đưa vào danh sách 10 nhà sưu tập cá nhân có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.
Trong khi đó, Li Bing, người sở hữu Viện Bảo tàng nghệ thuật He Jing Yuan tại Bắc Kinh, cho biết cải cách kinh tế và xã hội tại Trung Quốc từ cuối những năm 1970 là điều kiện tốt để phát triển lĩnh vực sưu tập tư nhân. Lý giải về việc mở Bảo tàng He Jing Yuan, Li Bing nói đơn giản chỉ vì ông muốn được chia sẻ tình yêu nghệ thuật và văn hóa với mọi người.
Còn Wang Wei, người chuẩn bị mở bảo tàng nghệ thuật mang tên Dragon tại Thượng Hải vào tháng 11 tới, cho hay cô đang thu thập các tác phẩm nghệ thuật của các tác giả trong nước. Qua những tác phẩm này, bảo tàng của cô mong muốn giúp khách khách tham quan có cái nhìn tường tận về lịch sử phát triển nghệ thuật Trung Quốc.
Lars Nittve, cựu Giám đốc Tate Modern Gallery tại London, nhận định tốc độ phát triển viện bảo tàng tư nhân tại châu Á đang ở mức chóng mặt. “100 năm trước, bảo tàng nở rộ tại Mỹ và điều này đang diễn ra tại các quốc gia đang phát triển”, ông Nittve nói. Chính vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi Hồng Công đang trở thành trung tâm đấu giá các tác phẩm nghệ thuật lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và London.
Đỗ Cao