Bùng nổ chạy đua vào vũ trụ

Cuối năm ngoái, khi Dragon - tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên do tập đoàn SpaceX chế tạo thực hiện thành công hợp đồng thương mại tiếp tế hàng hóa cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), trang tin Space.com đã đưa ra dự báo cuộc chạy đua lên vũ trụ của các công ty tư nhân đã thật sự bắt đầu. Và đến năm 2013, cuộc đua này mới thật sự bùng nổ.
Bùng nổ chạy đua vào vũ trụ

Cuối năm ngoái, khi Dragon - tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên do tập đoàn SpaceX chế tạo thực hiện thành công hợp đồng thương mại tiếp tế hàng hóa cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), trang tin Space.com đã đưa ra dự báo cuộc chạy đua lên vũ trụ của các công ty tư nhân đã thật sự bắt đầu. Và đến năm 2013, cuộc đua này mới thật sự bùng nổ.

  • Cách mạng hóa thám hiểm không gian

Sau khi tàu con thoi Atlantis kết thúc chuyến bay cuối cùng và chấm dứt sứ mệnh lịch sử của chương trình tàu vũ trụ 30 năm qua của Mỹ vào năm 2011, một số nhà khoa học vũ trụ từng lo ngại về ảnh hưởng đối với khoa học khi không còn tàu con thoi. Các đối tác châu Âu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng lo ngại về việc mất một hệ thống vận chuyển có hiệu quả tới trạm ISS. Mỹ buộc phải ký thỏa thuận sử dụng tàu vũ trụ của Nga đến năm 2015 và khiến ISS phụ thuộc hoàn toàn vào việc sử dụng các tàu vũ trụ Soyuz do Nga chế tạo.

Chi phí cho một chỗ ngồi trên chuyến bay tới ISS và trở về Trái đất là 60 triệu USD, chưa kể việc tàu Soyuz không thể vận chuyển lượng lớn các thiết bị thí nghiệm trở về Trái đất. Bên cạnh đó là sự phát triển nhanh của ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc, Ấn Độ… đang đe dọa vị trí hàng đầu của ngành hàng không vũ trụ Mỹ.

Tàu vũ trụ Dragon kết nối với trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Tàu vũ trụ Dragon kết nối với trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Để tránh sự phụ thuộc vào Nga, Chính phủ Mỹ đặt hy vọng các doanh nghiệp tư nhân có thể chở hàng hóa lẫn đưa phi hành gia lên ISS. Danh sách đứng đầu trong sự lựa chọn của NASA là ba tập đoàn công nghệ vũ trụ Boeing, SpaceX và Sierra Nevada. NASA đã chi số tiền khoảng 1,1 tỷ USD để hỗ trợ đầu tư công nghệ cho cả ba tập đoàn này. Space X là tập đoàn đầu tiên thực hiện thành công kế hoạch của NASA. Tổng giám đốc NASA Charlie Bolden đánh giá là “cách mạng hóa cách thức thám hiểm không gian”.

Chuyến đi đầu tiên vào vũ trụ của Dragon được quan tâm không kém gì chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên nửa thế kỷ trước. Đó là bởi nó được gắn mác thương mại và cũng chính thức mở ra kỷ nguyên kinh doanh vận tải vũ trụ của các công ty tư nhân. NASA cũng đầu tư cho các tàu vũ trụ thế hệ mới của các công ty tư nhân khác bao gồm: Blue Origin của Công ty Kent (22 triệu USD); Space Exploration Technologies của Hawthorne (75 triệu USD); Boeing của Houston (92,3 triệu USD).

Theo một đánh giá của NASA, việc cho tư nhân tham gia lĩnh vực vũ trụ sẽ tiết kiệm chi phí hơn. Phân tích của văn phòng kiểm toán Chính phủ Mỹ cho thấy một chương trình không gian tương tự dưới sự quản lý của NASA sẽ tốn kém từ 4 đến 10 lần so với tư nhân làm. Sự thông thoáng của NASA đã khiến nhiều công ty khác cũng rục rịch chạy đua trong lĩnh vực không gian hái ra tiền này. Đã có tám sân bay vũ trụ mới được cấp phép ở Mỹ, nơi các công ty có thể phóng tàu và hầu hết công ty này không liên quan gì đến các dự án của NASA. Về mặt quản lý, Phòng vũ trụ thương mại thuộc Cơ quan Hàng không liên bang là nơi cấp phép cho các hoạt động bay vào vũ trụ của tư nhân. Cơ quan này cũng kết hợp với NASA để đặt ra các tiêu chuẩn về an toàn.

  • Bay vào vũ trụ chỉ với 200.000 USD

Theo Space.com, năm 2013 sẽ là năm chứng kiến một loạt chuyến bay thử nghiệm của các công ty tư nhân nhằm chuẩn bị cho việc đưa hành khách vào vũ trụ. Con tàu Spaceship Two của Virgin Galactic đã hoàn thành nhiều cuộc thử nghiệm và sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên sử dụng động cơ tên lửa trong năm nay. Virgin Galactic đang mời chào du khách lên vũ trụ với giá đặt chỗ trước là 200.000 USD/người. Công ty hiện đã thu về 60 triệu USD doanh thu và tiền đặt cọc, với hơn 500 cá nhân, gồm các ngôi sao Hollywood và các triệu phú khác. Công ty XCOR cũng sẽ thử nghiệm các chuyến bay vào năm 2013.

Theo kế hoạch, cả hai công ty sẽ đón những khách hàng đầu tiên của mình vào năm 2014. Còn SpaceX đã ký hợp đồng với NASA để thực hiện ít nhất 12 chuyến bay chở hàng lên ISS. Trị giá hợp đồng lên tới 1,6 tỷ USD. Ngoài việc phát triển tàu chở hàng, SpaceX còn đang ráo riết nghiên cứu module chở người và đã đặt mục tiêu đưa các phi hành gia lên quỹ đạo trong 3 năm tới.

Trong năm nay, máy bay vũ trụ Dream Chaser, “taxi vũ trụ” 7 chỗ của Công ty Sierra Nevada sẽ được đưa lên không trung bằng máy bay vận tải White Knight Two. Máy bay vận tải này đã từng được sử dụng để đưa tàu vũ trụ thương mại SpaceShipTwo của Công ty Virgin Galactic lên không trung trong lần bay thử nghiệm vào năm 2010. Công ty Stratolaunch của đồng sáng lập tập đoàn Microsoft Paul Allen đã công bố kế hoạch phóng các tên lửa không người lái và chở hàng hóa vào vũ trụ, sử dụng một chiếc máy bay lớn nhất trong lịch sử có thể đưa các tàu vũ trụ vào quỹ đạo, thay vì đẩy chúng lên từ một bệ phóng. Chiếc máy bay khổng lồ có thể được trang bị 6 động cơ máy bay 747 và có sải cánh 117m. Nó có thể lớn hơn chiếc máy bay lớn nhất trong lịch sử, chiếc máy bay bằng gỗ H-4 Hercules biệt danh “Spruce Goose” do ông trùm huyền thoại Hollywood Howard Hughes thiết kế. Các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên dự kiến bắt đầu năm 2016.

Việc các công ty nhân tăng tốc phát triển ngành công nghệ vũ trụ làm NASA hy vọng việc vận chuyển các phi hành gia của Mỹ sẽ được giao cho một hoặc hai công ty thương mại cuối năm 2016. Cùng với việc giúp đỡ các công ty tư nhân, NASA đã tập trung phát triển hệ thống tên lửa đẩy và tàu vũ trụ thế hệ mới nhằm phục vụ cho sứ mệnh thám hiểm các thiên thạch, Mặt trăng, sao Hỏa và các địa điểm bên trên quỹ đạo của trạm ISS. Dự kiến, hệ thống tên lửa đẩy mới của NASA sẽ hoàn thành vào năm 2017. 

THANH HẰNG (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục