Bùng nổ du lịch chữa bệnh ở Ấn Độ

Nằm trên giường bệnh, hơi thở còn yếu nhưng đôi mắt Mahdi Rahman (19 tuổi), vẫn ánh lên niềm vui khi kể công việc anh mơ ước và môn thể thao mình đam mê. “Tôi muốn làm cảnh sát để có thể chiến đấu với tội phạm và có thể chơi bóng như Cristiano Ronaldo”, Rahman nói.

Rahman đang điều trị ở một bệnh viện tại thành phố Gurgaon, Ấn Độ, cách quê nhà Ghazni, một tỉnh xa xôi ở miền Đông Afghanistan 1.000km. Anh là 1 trong số hàng trăm ngàn bệnh nhân tìm đến các bệnh viện ở Ấn Độ điều trị mỗi năm. Theo tạp chí The Diplomat, trong một thập niên qua, Ấn Độ nổi lên như là một trong những điểm đến về chăm sóc sức khỏe phát triển nhanh nhất toàn cầu. Mỗi năm, quốc gia Nam Á này đón khoảng 400.000 bệnh nhân nước ngoài và 1/2 trong số đó đến từ các vùng có chiến tranh, xung đột như Afghanistan, Iraq, Yemen, Sudan…

Anas Wajid, Giám đốc bán hàng của bệnh viện Max ở thủ đô New Delhi, cho hay, ở những nơi có chiến sự như Afghanistan, hệ thống y tế gần như bị tê liệt. Cơ sở hạ tầng y tế ở những quốc gia này không đáp ứng được việc điều trị cho bệnh nhân. Điều này buộc người dân phải tìm đường sang các nước có chất lượng dịch vụ y tế đảm bảo với chi phí chấp nhận được. Và Ấn Độ đáp ứng được điều này.

Chi phí thấp là yếu tố quan trọng giúp Ấn Độ trở thành một lựa chọn của nhiều bệnh nhân. Nhiều năm qua, Singapore và Thái Lan là 2 thị trường du lịch chữa bệnh hàng đầu ở châu Á. Nhưng 10 năm trở lại đây, với sự nổi lên của các trung tâm chăm sóc y tế nổi tiếng ở các thành phố như Chennai, New Delhi và Mumbai, Ấn Độ đã điền tên mình vào danh sách các điểm đến về chăm sóc y tế chất lượng. Theo một nghiên cứu mới đây, tới năm 2020, doanh thu từ thị trường du lịch chữa bệnh của Ấn Độ sẽ tăng lên mức 7 - 8 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với hiện nay.

Salim Hussain, người Iraq, đến New Delhi để phẫu thuật tim với chi phí là 4.000USD. Theo ông này, chiến tranh tàn phá Iraq khiến hầu hết các bác sĩ nước này đã chạy sang châu Âu. Trang thiết bị y tế tại các bệnh viện cũ kỹ, nghèo nàn, không thể chữa trị bệnh tật. Trong khi đó, các nền y học tiên tiến như Anh, Mỹ lại vượt quá khả năng kinh tế của Hussain. Một ca phẫu thuật động mạch vành tim, nếu thực hiện ở Mỹ, khoảng 100.000USD. Nhưng tại Ấn Độ, chi phí cho một ca mổ như vậy chỉ bằng 1/10.

Không dừng lại ở đó, các chuỗi bệnh viện tư lớn của Ấn Độ như Fortis, Apollo và Max đang ngày một hoàn thiện, chuyện nghiệp hơn, nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng được yêu cầu của mọi đối tượng bệnh nhân trên thế giới. Theo đó, khi bệnh nhân đăng ký điều trị, các bệnh viện này sẽ lo toàn bộ mọi thứ, từ chỗ ở, phiên dịch cho đến nhu cầu ăn uống liên quan đến vấn đề văn hóa, tôn giáo…

Dù là một trong những điểm đến được tin tưởng nhưng ngành y tế Ấn Độ vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Wajid cho hay sự quan liêu đang kìm hãm sự phát triển của du lịch chữa bệnh. Không giống như Thái Lan khi mà bệnh nhân đến du lịch sẽ được cấp một thị thực y tế, còn thị thực y tế của Ấn Độ đắt hơn thị thực du lịch và đòi hỏi nhiều giấy tờ không cần thiết. Nhưng quan trọng hơn, việc thiếu một cơ chế quản lý đối với du lịch chữa bệnh đã tạo điều kiện cho những kẻ trung gian, cò mồi “tấn công” bệnh nhân.

MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục