Bùng nổ học trực tuyến ở Trung Quốc

Theo số liệu từ tập đoàn tư vấn mạng iResearch, một lượng lớn vốn đầu tư đang đổ vào giáo dục trực tuyến ở Trung Quốc. Số người học trực tuyến ở nước này dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 67,2 triệu người năm 2013 lên 120 triệu người năm 2017. Chính nhờ sự bùng nổ của thị trường giáo dục trực tuyến nên các giáo viên dạy tiếng Anh qua mạng ở Trung Quốc đang giàu lên nhanh chóng.

Theo số liệu từ tập đoàn tư vấn mạng iResearch, một lượng lớn vốn đầu tư đang đổ vào giáo dục trực tuyến ở Trung Quốc. Số người học trực tuyến ở nước này dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 67,2 triệu người năm 2013 lên 120 triệu người năm 2017. Chính nhờ sự bùng nổ của thị trường giáo dục trực tuyến nên các giáo viên dạy tiếng Anh qua mạng ở Trung Quốc đang giàu lên nhanh chóng.

Trang Tin tức Trung Quốc dẫn một ví dụ điển hình về Trịnh Cương, một trong những giáo viên tiếng Anh có thu nhập cao nhất Trung Quốc. Trịnh chỉ dạy IELTS (hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế) 20 giờ/tháng trên mạng, nhưng kiếm tới được 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,6 triệu USD/năm). Kênh giảng dạy trực tuyến Trịnh, gồm anh và 10 giáo viên nữa có chứng chỉ dạy IELTS toàn Trung Quốc, hiện có 600 triệu tài khoản. Hàng tháng, lại có thêm 4.000 sinh viên mới đăng ký.

Trang China Daily cũng đưa tin các giáo viên trẻ không chỉ dạy mà còn sản xuất các chương trình phù hợp thực tế hơn cho học sinh, sinh viên, những người đã, đang và sẽ làm việc với người nước ngoài, du học nước ngoài… Thầy giáo tiếng Anh Châu Vĩ bán một khóa học qua video quay và phát trực tiếp (Live Stream) bao gồm 9 bài học, mỗi bài 2 tiếng với giá hơn 100USD. Cộng với tiền bản quyền sách tiếng Anh do Châu biên soạn được xuất bản và tiền dạy lớp học bình thường, thu nhập của anh cũng tròm trèm 3 triệu USD/năm. Trong khi đó, một giáo viên trường công loại ưu ở Thượng Hải chỉ kiếm được 1.500USD/tháng, còn giáo viên ở trường tư thục là 5.000USD/tháng.

Tô Nam cũng dạy tiếng Anh trực tuyến, cho biết, Internet có thể biến giáo viên thành siêu sao, đồng thời tạo cơ hội công bằng cho giáo viên mới vào nghề và giáo viên cao cấp. Tô dạy tiếng Anh từ năm 2000 và bắt đầu mở lớp trực tuyến vào năm 2014. Lớp của anh ban đầu được thiết kế cho khoảng 2.000 học viên, tuy nhiên lượng đăng ký tăng lên đến 9.000 sau khi thông tin được đăng trên trang chủ của nhà cung cấp dịch vụ học tập. Sau giờ học, Tô còn lập nhóm 500 người trên phần mềm nhắn tin Tencent’s QQ để trả lời các câu hỏi của học viên. Chỉ 3 ngày sau, quá nhiều người gửi yêu cầu tham gia nhóm khiến Tô phải mở rộng thành các nhóm 1.000 người.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều về học trực tuyến. Một học sinh vừa hoàn thành khóa học IELTS 10 ngày tại một trung tâm của New Oriental ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây cho rằng, tiếp xúc trực tiếp với giáo viên và bạn học sẽ tăng khả năng giao tiếp, ứng biến, hơn nữa việc giảng dạy trong không gian mạng thiếu tính gắn kết cá nhân vì học sinh chỉ nhìn thấy giáo viên qua màn hình.

Các ý kiến ủng hộ cho rằng, học tập trung tại các cơ sở tiếng Anh đang trở nên lạc hậu. Những học sinh nhút nhát, ít khi dám đặt câu hỏi trên lớp, lại thường chủ động hơn trong buổi học trực tuyến vì không ai biết họ trong đời thực. Thêm vào đó, giáo dục truyền thống có điểm yếu là dạy cùng một nội dung cho nhiều nhóm học sinh, trong khi thực tế cho thấy học sinh khác nhau thì phải có cách dạy khác nhau. Bằng cách tập trung vào những điểm yếu riêng, dạy qua mạng giúp học sinh đạt được nhiều điểm mạnh trong thời gian tương đối ngắn, không bắt họ lãng phí thời gian bằng cách buộc họ phải nghe những gì đã nắm rõ.

PHƯƠNG AN

Tin cùng chuyên mục