Lũ lớn đang hoành hành ĐBSCL trên diện rộng, đã có khoảng 7.500ha lúa vụ 3 (lúa thu-đông) mất trắng, hàng chục ngàn hécta lúa tiếp tục bị lũ uy hiếp. Nhiều ý kiến đồng thuận lẫn phản đối việc sản xuất lúa vụ 3 ở ĐBSCL khiến nông dân đối mặt với nhiều rủi ro. Sáng 19-10, tại Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL phối hợp cùng các tỉnh thành ĐBSCL tổ chức hội thảo bàn về vấn đề, có nên phát triển diện tích lúa vụ 3 trong mùa lũ.
Chạy đua... xuống giống!
Mở đầu hội thảo, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, thông báo: “Lũ làm vỡ đê bao gây mất trắng hàng ngàn hécta lúa vụ 3 ở ĐBSCL, buộc các tỉnh huy động tổng lực vào cuộc chống lũ bảo vệ lúa. Và đề tài lúa vụ 3 trở thành vấn đề thời sự ở vùng lũ, được các ngành chức năng, nhà khoa học, người dân… bàn bạc rất nhiều. Có ý kiến ủng hộ chủ trương phát triển lúa vụ 3 trong điều kiện giá lúa ở mức cao, nhưng cũng không ít người phản đối.
Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT giao cho Viện Lúa ĐBSCL tổ chức hội thảo, bước đầu lấy ý kiến về phát triển lúa vụ 3 sao cho hợp lý để bộ có cơ sở xử lý và báo cáo với trung ương”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang: “Nhiều năm qua An Giang là tỉnh có truyền thống làm lúa vụ 3 và là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất nhiều nhất ĐBSCL. Năm nay lúa được giá cao, do đó, dù có khuyến cáo hay không, nông dân vẫn mạnh dạn làm. Toàn tỉnh xuống giống 131.000ha lúa vụ 3, tăng hơn 17.000ha so năm trước”.
Tại Kiên Giang, năm 2010 sản xuất 15.000ha, năm 2011 tăng lên 53.000ha, trong khi kế hoạch chỉ 36.000ha. Thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, thừa nhận: “Nông dân thấy có lợi thì làm, mình đâu thể cản được. Ngay cả những vùng không an toàn thuộc khu vực Tứ giác Long Xuyên, người dân cũng “xé rào” xuống giống khoảng 11.000ha lúa vụ 3 ngoài kế hoạch”.
Ở Hậu Giang, tỉnh đề ra chủ trương sản xuất 42.000ha lúa vụ 3 trong năm 2011, thực tế xuống giống trên 52.000ha. Vùng lũ Đồng Tháp cũng chạy đua xuống giống hơn 98.858ha ở khắp tất cả 12 huyện, thị, thành phố; tăng 40.000ha so năm 2010. Tại Cần Thơ, nhiều xã thuộc huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, quận Ô Môn… lâu nay không hề làm lúa vụ 3, nhưng trước sức hút về giá, nông dân Cần Thơ xuống giống tới 54.000ha.
Đê bao quá yếu và lạc hậu
Thống kê của Viện Lúa ĐBSCL cho thấy toàn vùng ĐBSCL xuống giống trên 630.000ha lúa vụ 3, diện tích kỷ lục từ trước đến nay. Điều đáng nói, rất nhiều diện tích lúa nằm ngoài đê bao, hoặc đê bao không an toàn nhưng chính quyền và người dân vẫn vô tư xuống giống không “sợ lũ”.
An Giang với 131.000ha lúa vụ 3, nhưng chưa tới 50% diện tích có đê an toàn, số còn lại đê bao chưa hoàn chỉnh hoặc ngoài đê bao.
Trong khi đó, nhiều nơi ở Đồng Tháp vừa xuống giống lúa vụ 3, vừa làm đê bao ngay thời điểm mùa mưa. Vì thế đê thiếu vững chắc. Cố gắng là vậy nhưng thực tế cũng chỉ bảo vệ được 70% diện tích lúa vụ 3, hơn 30% diện tích còn lại nằm trong vùng nguy hiểm. Và chuyện vỡ đê gây mất trắng trên 2.023ha lúa vụ 3 cũng từ những khu vực thiếu an toàn.
Thạc sĩ Trần Quang Củi phân tích: “Hệ thống đê bao ở ĐBSCL quá yếu và rất lạc hậu. Đa phần đê bao được xây dựng trước đây để chống lũ tháng 8, bảo vệ lúa hè-thu. Sau khi thu hoạch xong lúa hè-thu là xả lũ. Nay các tỉnh ùn ùn gieo sạ lúa vụ 3 trong mùa lũ, vì vậy đê bao chống lũ tháng 8 không còn phù hợp và không thể chống được lũ lớn như năm nay”.
Theo Sở NN-PTNT An Giang, để xây dựng nhanh hệ thống đê bao, tỉnh đã bỏ ngân sách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, dân đóng góp 1,7 - 1,8 triệu đồng/ha để làm đê bao. Tuy nhiên, chi phí xây dựng đê bao kiên cố quá lớn nên số tiền trên chẳng thấm vào đâu. Các tỉnh ĐBSCL khẳng định: Chủ trương phát triển lúa vụ 3 là phù hợp và người dân cũng rất đồng tình. Bởi thực tế khi lũ về, không làm lúa thì dân chẳng biết làm gì. Không thể nuôi thủy sản với diện tích cỡ hàng trăm ngàn hécta được, trồng rau màu quá nhiều thì khó về đầu ra… Do đó, sản xuất lúa là hướng đi đúng. Chưa kể lúa vụ 3 thường cho năng suất cao, bán có giá...
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Cần Thơ, kiến nghị: “Mùa lũ năm nay đã bộc lộ rõ những hạn chế từ hệ thống đê bao ở ĐBSCL. Để sản xuất lúa vụ 3 ổn định trong thời gian tới, trung ương cần đầu tư mạnh cho đê bao. Theo đó, cần quy hoạch lại tổng thể sản xuất lúa vụ 3 toàn vùng, nơi nào nên làm - nơi nào không nên… để có hướng đầu tư thích hợp. Đê bao tới đây cần xây dựng quy mô hơn, gắn với đường giao thông, đảm bảo xe 4 bánh đi được. Đây cũng là nơi phát triển mô hình cánh đồng mẫu theo hướng sản xuất lớn”.
Với hơn 630.000ha lúa vụ 3, nếu năng suất đạt bình quân khoảng 5 tấn/ha, vụ này ĐBSCL sẽ có thêm khoảng 3 triệu tấn lúa. Đến nay, lũ làm mất trắng khoảng 7.500ha, chỉ khoảng 1% trên tổng diện tích xuống giống. Tỷ lệ thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp như vậy là không lớn. Nếu từ đây đến khi lũ rút, không bị thiệt hại thêm thì xem như lúa vụ 3 năm nay thắng. Đặc biệt, giá lúa đang ở mức cao 7.000 - 7.400 đồng/kg, chắc chắn nông dân trúng đậm. Tuy nhiên, cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho những hộ bị mất trắng do lũ gây ra. Ngoài ra cần nghiên cứu thêm việc phát triển lúa vụ 3, cùng xây dựng đê bao có ảnh hưởng đến dòng chảy của lũ, gây sạt lở, môi trường, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu… |
HUỲNH PHƯỚC LỢI