Một cuộc điều tra toàn cầu về gian lận trong lãi suất liên ngân hàng đang được tiến hành tại một số ngân hàng ở các nước châu Âu và Mỹ. Chính phủ các nước Mỹ, Nhật Bản, khối EU và Canada đang kiểm tra hơn 10 ngân hàng tình nghi gian lận lãi suất.
Bê bối từ Barclays
Khởi đầu từ ngân hàng Barclays của Anh khi ngân hàng này thừa nhận gian dối trong lãi suất liên ngân hàng, chịu phạt 450 triệu USD. Giám đốc điều hành ngân hàng này, ông Bob Diamond đã buộc phải từ chức trong tuần đồng thời thừa nhận các nhân viên của ông có thể đối mặt với án tù. Sau đó, tới lượt ngân hàng Deutsche Bank của Đức. Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Đức (BAFIN) cho biết đã mở một cuộc điều tra đặc biệt tại Ngân hàng Deutsche Bank.
Lãi suất khởi điểm liên ngân hàng London (Libor) là lãi suất mà các ngân hàng hàng đầu của Anh phải trả khi vay mượn nhau theo 10 loại tiền tệ và 15 kỳ hạn, ngắn nhất là qua đêm, dài nhất là 12 tháng. Libor cũng được dùng để xác định lãi suất của các hợp đồng trị giá hàng ngàn tỷ USD trên toàn thế giới liên quan đến hàng trăm triệu người. Thế nhưng tại Anh, do thiếu các điều luật truy tố liên quan đến hành vi gian lận lãi suất nên đã gây ra không ít bối rối cho các cơ quan chức năng.
Cơ quan điều tra độc lập của Anh về gian lận và tham nhũng (SFO) cũng đã vào cuộc. Dự báo cuộc điều tra sẽ kéo dài trong vài năm và không chỉ tập trung vào Barclays. Reuters dẫn lời một quan chức của SFO cho biết lẽ ra họ đã điều tra gian lận về Libor hồi năm 2011 nhưng không đủ kinh phí. Việc gian lận Libor là nhằm thu lợi nhuận cao hơn.
Hệ lụy
Vụ bê bối lãi suất liên ngân hàng có thể gây thêm nhiều khó khăn cho các nền kinh tế đang bị nợ bủa vây ở châu Âu và Mỹ, cụ thể nó làm thất thu ngân sách, dẫn đến thất nghiệp, nghèo đói và bất công xã hội. Ví dụ, chỉ cần nâng thêm lãi suất lên 0,3% người mua bất động sản ở Mỹ mỗi tháng phải trả thêm 100 USD cho bất động sản trị giá 500.000 USD.
Vụ bê bối Libor có thể ảnh hưởng đến các khoản vay với tổng số tiền 360 ngàn tỷ USD. Libor cùng với Euribor (lãi suất liên ngân hàng khối EU) thường được dùng để làm chuẩn cho lãi suất vay liên quan đến bất động sản, các khoản vay của sinh viên và lãi suất thẻ tín dụng. 90% khoản vay về bất động sản và thương mại tại Mỹ liên quan đến 2 chỉ số này.
Tờ Financial Times cho rằng vụ bê bối liên quan đến Libor tương đương với “vụ đầu độc nguồn nước uống”. Dự báo, sắp tới, sẽ có thêm từ 12 đến 20 ngân hàng trên toàn thế giới liên quan đến vụ bê bối Libor xuất phát từ Barclays như Royal Bank of Canada, Royal Bank of Scotland Citigroup Inc., Bank of America, Citibank, Credit Suisse, JP Morgan Chase, Lloyds... Theo trang mạng http://www.globalresearch.ca, điều đáng nói là Barclays đã chi 160 triệu USD cho Bộ Tư pháp Mỹ để loại trừ ngân hàng này khỏi danh sách bị truy tố.
Cũng theo trang mạng này, năm 2011, chủ của Barclays, ông Diamond, đã nhận 39 triệu USD tiền thưởng. Tính từ khi vào ban giám đốc của Barclays năm 2005, ông ta đã nhận 311,7 triệu USD tiền lương, thưởng và tiền chia cổ phần. Vụ bê bối của Barclays bắt nguồn từ năm 2007 nhưng các nhà chức trách Mỹ và EU đã làm ngơ.
Khởi lập từ giữa những năm 1980, Barclays là một trong 4 ngân hàng lớn nhất thế giới và được xem là “hình mẫu” về sự độc lập của ngân hàng trong định giá thị trường. Nhưng giờ đây, dư luận Mỹ và nhiều nước phương Tây đòi trừng trị những “kẻ lừa đảo” trong Barclays.
THỤY VŨ tổng hợp