Ngày 26-11, Ủy ban Nhân quyền LHQ (gồm 18 chuyên gia nhân quyền độc lập) đã thông qua bản dự thảo nghị quyết về quyền riêng tư do Đức và Brazil đệ trình. 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu cho nghị quyết trên.
Quyền riêng tư được đề cập ở bản dự thảo trên không nhắc đến một quốc gia nào. Tuy nhiên, dư luận quốc tế ngầm hiểu đây là văn bản nhằm đáp trả Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) liên quan đến hoạt động gián điệp, khai thác thông tin xâm phạm vào quyền riêng tư các yếu nhân. Điều bất ngờ là Mỹ và các nước đồng minh như Anh, Australia, Canada, New Zealand lại không hề phản đối đề xuất của Đức và Brazil. Cũng dễ hiểu vì chính Mỹ và các quốc gia nói trên đều là “nạn nhân” không thể tránh khỏi. Thật ra, bảo vệ quyền riêng tư không phải là ý tưởng mới. Điều này đã được quy định hẳn ở Điều 12 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền (UDHR) và được tái khẳng định trong Điều 17 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) có hiệu lực từ năm 1976. Tuy nhiên, Điều 17 đã không ngờ đến sức mạnh của truyền thông số, thời mà chuyện theo dõi lẫn nhau lại trở nên dễ dàng và tinh vi hơn bao giờ hết. Không tập đoàn công nghệ lớn nào không “dính” vào bê bối âm thầm thu thập thông tin, dữ liệu của người dùng, một phần cũng vì đó là đường tắt để cạnh tranh. Mới đây, Google cũng đã thừa nhận đang cố gắng khai thác lỗ hổng cài đặt trong các sản phẩm iPad, iPhone của Apple để thu thập dữ liệu. Chính quyền bang California của Mỹ đã sớm ý thức được việc bảo vệ quyền riêng tư của công dân khi ký kết với Apple, Amazon, HP, Microsoft, Blackberry một thỏa thuận ngăn chặn việc rò rỉ thông tin của người dùng các dịch vụ của những tên tuổi trên.
Nhưng ngăn chặn rò rỉ thông tin ở mức độ cạnh tranh kinh tế của các tập đoàn vẫn chưa đủ lực để buộc chính phủ lên tiếng. Trong khi các chính trị gia còn đang lưỡng lự, băn khoăn về việc tìm kế hoạch, sáng kiến thì “quả bom” Edward Snowden đã làm thế giới thức tỉnh, buộc các nước phải lên tiếng. Phát biểu trên kênh truyền thông Đức ARD, Thủ tướng Merkel kêu gọi xem xét và đưa ra luật quốc tế bảo vệ thông tin xuyên quốc gia. Bộ trưởng Tư pháp nước này, ông Sabine Leutheusser – Schnarrenberger, cũng khẳng định cần có một hiệp ước quốc tế để Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chịu trách nhiệm bảo mật thông tin dữ liệu giữa các quốc gia.
Phản ứng trước việc Ủy ban Nhân quyền LHQ thông qua bản dự thảo nghị quyết trên, có quan điểm cho rằng các nước đang chính trị hóa quyền riêng tư. Thực tế, khai thác thông tin bao trùm các mục đích: chính trị và cả kinh tế. Một nghị quyết chung không thể giải quyết được vấn đề mà chỉ là đòn bẩy để các quốc gia thiết lập sự hợp tác song phương, đa phương với những chế tài chặt chẽ hơn. Tháng 8 vừa qua, 6 nước châu Âu gồm: Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh đã thiết lập một lực lượng đặc nhiệm điều tra Google nhằm chống lại việc Google bán thông tin của khách hàng cho các công ty quảng cáo. Bất luận kết quả như thế nào, và dù nghị quyết của Đại hội đồng LHQ trên thực tế không có giá trị ràng buộc pháp lý với bất kỳ quốc gia thành viên nào nhưng dù sao đây cũng là động thái tích cực, được xem là cơ sở ban đầu để các quốc gia có những hợp tác cụ thể hơn.
NHƯ QUỲNH