Nhận lời mời của lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có chuyến chính thức Việt Nam từ 23 tới 25-5. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và là chuyến thăm của tổng thống Hoa Kỳ thứ ba tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, sau chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton năm 1998 và Tổng thống George W. Bush năm 2006.
Đột phá sâu rộng
Ông Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ trong lần trả lời phỏng vấn VTV nhân kỷ niệm 20 năm Bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (1995-2015) nói: “Tôi nghĩ rằng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ 20 năm qua là một trong những quan hệ song phương phát triển nhanh nhất và với tốc độ cao kể cả chiều sâu và chiều rộng bởi lẽ chúng ta từ quan hệ đối địch chuyển sang quan hệ đối tác, hợp tác”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama tại buổi hội đàm sáng 23-5-2016. Ảnh: TTXVN
Cũng trong 20 năm qua, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thăm lẫn nhau và tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế và khu vực, qua đó góp phần xây dựng lòng tin và nền tảng cho mối quan hệ ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đi vào chiều sâu và thiết thực.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng tháng 7-2015
Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam đã được tăng cường, mở rộng và làm sâu sắc thêm rất nhiều nhờ vào Quan hệ Đối tác toàn diện mà nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama cùng nhau công bố vào tháng 7-2013. Tuyên bố này thể hiện cam kết cơ bản của hai nước và hình thành tiêu chuẩn cho quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam trong tương lai, khi quan hệ hai nước trưởng thành từ một giai đoạn đầy năng lượng và háo hức tuy thiếu kinh nghiệm, sang một quan hệ đối tác bền vững lâu dài được hình thành vững vàng trên sự tôn trọng lẫn nhau và những trao đổi thẳng thắn, hiệu quả thường có giữa những người bạn.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tiếp và hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013
Theo Đại sứ Ted Osius, khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và ổn định là điều quan trọng sống còn đối với lợi ích của Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ cam kết vì tương lai của khu vực. Vì vậy, Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với chính phủ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, bao gồm biến đổi khí hậu, nguồn nước và an ninh lương thực, chống buôn người và buôn bán trái phép động vật hoang dã. Ông nói: “Chúng ta hợp tác trên các lĩnh vực an ninh hàng hải, tập trung vào trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thiên tai, các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ, và các nhiệm vụ gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc. Cùng nhau, chúng ta đã làm được nhiều việc nhằm giải quyết các mối đe doạ y tế toàn cầu và xây dựng các hệ thống y tế công bền vững nhằm đảm bảo an ninh y tế toàn cầu”. Cùng với những đối tác toàn cầu khác, Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam nâng cao hệ thống giáo dục, và đặc biệt là thúc đẩy các mối quan hệ nhân dân thông qua học bổng Fulbright, liên kết giữa các trường đại học và các chương trình trao đổi văn hóa giáo dục khác.
Hải sản là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ
Trong thông điệp chúc mừng Quốc khánh Việt Nam mới đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã ghi nhận rằng “không có hai quốc gia nào khác đã từng làm việc tích cực hơn thế để đến được với nhau cũng như mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân của mình”. Nhân dân Hoa Kỳ sát cánh cùng nhân dân Việt Nam khi họ, giống như tổ tiên của họ là rồng và tiên, bay cao hơn, xa hơn và toả sáng mạnh mẽ hơn như một trong những câu chuyện thành công lớn về kinh tế ở châu Á.
Củng cố quan hệ đối tác toàn diện
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ góp phần củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ; triển khai những thỏa thuận cấp cao đã đạt được; trao đổi các biện pháp, phương hướng thúc đẩy quan hệ hai nước, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Trong Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7-2015), hai bên đã ghi nhận những phát triển tích cực và thực chất trên nhiều lĩnh vực hợp tác trong 20 năm qua, đặc biệt là sự phát triển trong hợp tác kinh tế-thương mại, hợp tác trong việc xử lý các vấn đề hậu quả chiến tranh cũng như trong khoa học-công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh, quyền con người, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trên những vấn đề cùng quan tâm.
Lĩnh vực hợp tác thành công nhất, trở thành trọng tâm, động lực phát triển quan hệ chung giữa hai nước, đó là hợp tác về kinh tế-thương mại. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng liên tục ở mức 20%/năm, từ khoảng 400 triệu USD (năm 1995) lên 45 tỷ USD (năm 2015), Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện nay, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với khoảng 748 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt hơn 11 tỷ USD. Hai bên đã kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký hiệp định vào tháng 2-2016, hiện đang phối hợp chặt chẽ để Quốc hội hai nước sớm thông qua.
Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ (tháng 6-2015), với 5 nội dung hợp tác gồm: tăng cường tham vấn chính sách; khắc phục hậu quả chiến tranh (rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin); gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc; khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu trợ và an ninh biển trên cơ sở luật pháp quốc tế; và luật pháp mỗi bên.
Hợp tác về giáo dục, đào tạo là nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Tính đến hết tháng 1-2016, khoảng 28.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ bảy trong số các nước có nhiều sinh viên học tập tại Hoa Kỳ.
Trường Đại học Fulbright Việt Nam vừa được quyết định thành lập, dự kiến sẽ tuyển sinh sớm nhất vào cuối năm nay. Về khoa học-công nghệ, hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hải dương học, công nghệ không gian.
Ngoài ra, Hoa Kỳ thông qua 84 triệu USD cho dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và 11 triệu USD trợ giúp y tế cho người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin giai đoạn 2014-2016.
Hướng tới tương lai quan hệ song phương và phát huy quan hệ Đối tác toàn diện, trong Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ, hai nước khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc, bền vững và thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
THỤY VŨ tổng hợp