Bước ra “biển gần”

Giải Hoa Mai là cuộc thi thiết kế mẫu trang trí nội thất bằng gỗ do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ (HAWA) tổ chức 13 năm qua, Hội đồng Xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) tài trợ. Đây là sân chơi cho các bạn trẻ thi thố tài năng, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, từng bước đào tạo đội ngũ thiết kế theo đuổi niềm đam mê thiết kế đồ gỗ, là cầu nối giữa đào tạo và thực tiễn. Đây cũng là cách tạo mối liên kết giữa nhà thiết kế và doanh nghiệp để có thể thương mại hóa sản phẩm.

Hai năm gần đây, các tác phẩm đoạt giải mới có cơ hội trình làng tại Hội chợ Đồ nội thất quốc tế ở Singapore (IFFS). Ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch HAWA, nhấn mạnh chúng tôi đặc biệt quan tâm đến “hậu Hoa Mai” để các tác phẩm này gần hơn nhu cầu của thị trường. Chúng tôi muốn gửi đến nhà mua hàng thế giới thông điệp Việt Nam không những chỉ là đất nước mạnh về gia công  (OEM) đồ nội ngoại thất bằng gỗ, mà còn đang dần đầu tư về thiết kế, từng bước đưa Việt Nam vào nhóm ít quốc gia sản xuất hàng nội thất theo dạng ODM, vừa sản xuất vừa thiết kế các mẫu sản phẩm.

Như vậy, để đào tạo và hình thành lực lượng thiết kế không thể là chuyện ngày một ngày hai mà phải lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì. Theo kiến trúc sư Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký HAWA: “Sau hơn 12 năm chúng tôi mới có điều kiện đưa anh em thiết kế trẻ ra “biển gần” Singapore để các bạn có thể trải nghiệm, khám phá và nhìn lại bản thân”. Nhà thiết kế trẻ Trần Trung Hậu, giải nhất mùa giải năm rồi, cho biết đã thực sự được mắt thấy, tai nghe những điều mới mẻ từ thiết kế, công nghệ, đến vật liệu. Đặc biệt, khu vực “Asean Stars” - trưng bày các sản phẩm xuất sắc của các nhà thiết kế được đề cử thực sự lôi cuốn bởi những thiết kế đẹp mắt và câu chuyện đằng sau sự sáng tạo của những người làm ra chúng.

Trong khi đó, với đội ngũ thiết kế trẻ của Singapore, họ đang được tiếp cận ngành thiết kế hàng đầu thế giới tại Ý. Điều này cho thấy, chúng ta còn có khoảng cách so với Thái Lan, Philippines, Singapore về việc xây dựng lực lượng thiết kế nội thất. Ở Singapore có hẳn Cục Thiết kế của nhà nước để đào tạo, ở Thái Lan có một Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực thiết kế. Trong khi ở Ý - đất nước hàng đầu, có thể nói là dẫn dắt xu hướng thiết kế nội thất, nhà nước có chính sách đào tạo đội ngũ thiết kế bài bản. Ở Việt Nam, chỉ mới dừng lại là hoạt động của một hội ngành nghề với kinh phí khá khiêm tốn của một địa phương là TPHCM. Tuy vậy, HAWA vẫn mạnh dạn bắt tay vào làm. Vì vậy, rất cần sự chung tay của doanh nghiệp, tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài. Nhưng xét cho cùng, cần có nguồn ổn định từ trong nước cũng như sự quản lý tập trung của Nhà nước để có thể hình thành ngành thiết kế nội thất trong nước. Bởi, dù tốc độ phát triển ngành xuất khẩu đồ gỗ chế biến khá nhanh và ổn định nhưng lợi nhuận thu về rất thấp vì là gia công, chỉ hưởng chênh lệch 15% - 20%, thậm chí có lúc chỉ 5% - 6%, nhưng với ODM, mức lợi nhuận lên đến 100% - 200%. Thiết kế sẽ làm thay đổi căn bản về sản xuất ngành hàng và là cách thế giới thay đổi cách nhìn về sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục