Bước tiến mới của ngành giáo dục Cà Mau

Tỉnh Cà Mau hiện có 495 trường học các cấp trên địa bàn với tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi trên 98%, tỷ lệ trẻ từ bậc tiểu học lên trung học cơ sở đạt trên 95%. Với địa bàn sông rạch chằng chịt gây trở ngại trong giao thông và đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc nuôi trồng thủy sản, nguồn thu nhập chính của phần lớn các gia đình ở Cà Mau bị thất bát khiến nhiều gia đình phải cho con nghỉ học.
Bước tiến mới của ngành giáo dục Cà Mau

Tỉnh Cà Mau hiện có 495 trường học các cấp trên địa bàn với tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi trên 98%, tỷ lệ trẻ từ bậc tiểu học lên trung học cơ sở đạt trên 95%. Với địa bàn sông rạch chằng chịt gây trở ngại trong giao thông và đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc nuôi trồng thủy sản, nguồn thu nhập chính của phần lớn các gia đình ở Cà Mau bị thất bát khiến nhiều gia đình phải cho con nghỉ học.

Một trong những nguyên nhân bỏ học của học sinh tại Cà Mau năm học 2008 – 2009 là do gia đình không có tiền cho con đi đò đến trường học (chiếm 1/3 số học sinh bỏ học hàng năm). Để giúp học sinh nghèo không bỏ học, tỉnh Cà Mau cần kinh phí cho chương trình hỗ trợ tiền đò giúp học sinh nghèo là 20 tỷ đồng/năm học. Tỉnh Cà Mau đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tỉnh thực hiện chương trình này và ngay tại buổi lễ, 13 đơn vị đã trao tặng 26 tỷ đồng để tài trợ cho chương trình trong năm học 2009 - 2010, trong đó, 2 nhà tài trợ lớn nhất là Công ty Him Lam trao tặng 15 tỷ đồng và Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) trao tặng 5 tỷ đồng. Dự kiến chương trình này sẽ kéo dài trong 3 năm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo tỉnh Cà Mau tặng xe đạp cho học sinh nghèo nhân Ngày hội giáo dục của tỉnh Cà Mau. Ảnh: P.Th.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo tỉnh Cà Mau tặng xe đạp cho học sinh nghèo nhân Ngày hội giáo dục của tỉnh Cà Mau. Ảnh: P.Th.

Trong thời gian này, tỉnh Cà Mau sẽ phát triển hệ thống giao thông nông thôn, giúp các em có thể đến trường mà không phải dùng đò. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Cà Mau trong nỗ lực giúp các em học sinh nghèo có điều kiện học hành, như mong muốn của Bác Hồ.

Với những thành tích đạt được, nhân Ngày hội giáo dục của tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trao Quyết định công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập quốc gia trung học cơ sở. Trong dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho Sở GD-ĐT tạo tỉnh Cà Mau và cho Nhà giáo nhân dân Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã tặng Bằng khen cho Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, Nguyễn Tuấn Khanh về thành tích trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ ngành giáo dục phát triển.

Trong thời gian ở thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm Trường THCS Đầm Dơi và Trường THPT Đầm Dơi. Đây là các trường thuộc vùng sâu, vùng xa nhưng đã có thành tích cao trong giáo dục, đạt chuẩn quốc gia và đang thực hiện mô hình “Trường học thân thiện, Lớp học thân thiện” do Bộ GD-ĐT phát động. Riêng Trường THPT Đầm Dơi, nhiều năm liền luôn có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trên 98%, chỉ sau trường chuyên của tỉnh. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhắc nhở Ban giám hiệu Trường THPT Đầm Dơi cần chú trọng đến việc xây dựng môi trường xanh sạch cho học sinh, phổ cập công nghệ thông tin và chú trọng xây dựng nhà vệ sinh sạch cho học sinh.

Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cà Mau, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời về kiến nghị xây dựng trường dạy nghề của tỉnh.

Theo Phó Thủ tướng, trước đây, việc xây dựng trường dạy nghề là đầu tư theo hành chính, do đó trong thời gian qua, các trường dạy nghề không đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Do vậy, tới đây việc dạy nghề sẽ cần thay đổi, từ đầu tư theo kiểu hành chính sang đầu tư theo nhu cầu của địa phương. Việc xây dựng trường dạy nghề sắp tới sẽ không tràn lan, đào tạo theo diện rộng mà căn cứ trên nhu cầu địa phương, cần nghề gì, nhu cầu bao nhiêu phải được khảo sát kỹ và Chính phủ sẽ đầu tư theo nhu cầu. Việc đầu tư sẽ chú trọng đến nâng cao chất lượng của học viên để khi ra trường, học viên có thể đáp ứng được ngay nhu cầu xã hội mà không cần đào tạo lại, gây lãng phí cho xã hội. Với sự thay đổi mới về tư duy dạy nghề sẽ giúp xã hội có nguồn nhân lực đủ chất lượng theo nhu cầu cụ thể, tiết kiệm nhiều kinh phí cho nhu cầu phát triển khác.

PHẠM  QUANG

Tin cùng chuyên mục