Sáng 28-11, ngay sau khi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trao đổi với báo chí về quyết định lịch sử này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định: Bản Hiến pháp này là kết quả của quá trình làm việc rất công phu, nghiêm túc, phát huy được trí tuệ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và có thể nói đây là ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân. Có thể nói tỷ lệ phiếu phản ánh sự đồng thuận rất cao về quy định của Hiến pháp (sửa đổi). Tuy có 2 ĐBQH không biểu quyết, nhưng đó là chính kiến của họ, không thể áp đặt và sự khác biệt về ý kiến cũng là việc bình thường.
- PV: Thưa Phó Chủ tịch, Hiến pháp sửa đổi lần này được nhiều ĐBQH coi là một bước tiến quan trọng trong tiến trình dân chủ, công bằng và văn minh của Việt Nam. Xin ông cho biết ý kiến riêng của mình?
>> Ông UÔNG CHU LƯU: Ý kiến đó hoàn toàn xác đáng. Báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình QH sáng nay đã khẳng định bản Hiến pháp (sửa đổi) lần này đã thể chế hóa cương lĩnh của Đảng, trên cơ sở phát huy dân chủ, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc, đề cao được quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Có thể nói là Hiến pháp (sửa đổi) đã phân định rõ được chức năng nhiệm vụ cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp so với hiến pháp hiện nay.
- Ông có thể đánh giá như thế nào về nội dung liên quan đến quyền con người trong Hiến pháp sửa đổi?
Chúng ta thấy trước đây Hiến pháp 1992 dành chương 5 để nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhưng Hiến pháp (sửa đổi) đã đưa chương về nội dung này lên ngay sau chương về chế độ chính trị. Riêng bố cục như vậy cũng đã thể hiện tầm quan trọng của nội dung về quyền con người. Tên chương cũng đã có sự thay đổi, trước đây là “quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân”, còn bây giờ là “quyền con người; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân” để khẳng định nhà nước cam kết bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân đúng như những công ước quốc tế mà nước ta đã là thành viên. Đây cũng là thành quả của hơn 30 năm đổi mới, phát triển của đất nước.
Trong chương này có rất nhiều điều khoản làm rõ quyền con người; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm các quyền đó và trường hợp nào mà hạn chế đến quyền con người, quyền công dân thì phải do Hiến pháp, luật định.
- Ông vừa nói một điểm nhấn quan trọng là chương về quyền con người trong Hiến pháp sửa đổi vừa được QH thông qua. Nhưng làm thế nào để những quy định tốt đẹp đó được thực thi triệt để trong cuộc sống? Vì như quyền biểu tình đã được ghi trong các bản Hiến pháp trước đây nhưng vẫn chưa được thể hiện bằng những đạo luật cụ thể và những quy định khác.
Quyền về tự do dân chủ, lập hội, biểu tình đúng là không chỉ quy định trong Hiến pháp lần này mà cả các bản Hiến pháp trước đây. Như vậy, để triển khai được, tới đây chúng ta phải ban hành luật để quy định rõ điều kiện, thủ tục trình tự để công dân thực hiện các quyền hiến định đó.
- Yêu cầu đổi mới thể chế kinh tế được đặt ra trong thời buổi khó khăn này rất là cấp bách. Vậy bản Hiến pháp lần này có sự đột phá nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới thể chế kinh tế?
Ngay tại chương 3, chương nói về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, môi trường tại điều 51 của Hiến pháp đã khẳng định mục tiêu, mô hình kinh tế của nhà nước chúng ta. Đó là nền kinh tế thị trường bền vững xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và các thành phần kinh tế là bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Hiến pháp (sửa đổi) cũng nêu rõ mọi thành phần kinh tế, cả kinh tế nhà nước, kinh tế đầu tư nước ngoài đều được nhà nước bảo hộ và nhà nước không quốc hữu hóa những tài sản hợp pháp của các nhà đầu tư, nhà sản xuất, của các nhà kinh doanh. Đây là thông điệp mà tôi nghĩ rất quan trọng. Bên cạnh đó, khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của các thành phần kinh tế, của các chủ thể đều được nhà nước tôn trọng, bảo đảm.
- Với tư cách thành viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông có còn băn khoăn, tiếc nuối về nội dung gì chưa được đưa vào trong Hiến pháp lần này hay không? Chẳng hạn như quy định về Hội đồng Hiến pháp?
Chúng ta đang triển khai một chủ trương, chính sách rất lớn, là kiểm soát quyền lực. Điều 2 Hiến pháp (sửa đổi) có nêu rằng quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để bảo đảm quyền lực của nhân dân được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, hiệu quả. Hội đồng Hiến pháp lần này chưa được quy định trong Hiến pháp (sửa đổi), nhưng trong các chương điều khác cũng đã thể hiện trên tinh thần, nguyên tắc kiểm soát quyền lực. Ví dụ như quyền lập pháp thuộc về QH, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền tư pháp thuộc cơ quan xét xử là tòa án và trong các chương đó cũng đã phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan tạo điều kiện để kiểm soát quyền lực.
Theo đề nghị của ĐBQH và cử tri, một điều khoản trong Hiến pháp được dành để nói về trách nhiệm của QH, Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan QH, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao và các cơ quan nhà nước khác cũng như trách nhiệm của toàn dân trong việc bảo vệ Hiến pháp; bảo đảm tính nghiêm minh, tôn trọng Hiến pháp theo tư tưởng nhà nước pháp quyền. Đấy cũng thể hiện tinh thần kiểm soát quyền lực.
ANH THƯ (ghi)