Bưởi Năm Roi một thời vang danh miền Tây Nam bộ đang đứng trước nguy cơ tàn lụi. Nhà vườn ở hai vùng nguyên liệu bưởi lớn nhất là Bình Minh (Vĩnh Long) và Châu Thành (Hậu Giang) đang quay mặt với “đứa con” do chính mình sinh ra và nuôi dưỡng hàng chục năm qua.
“Đuối” với giấy thông hành
Một thời dư luận rộ lên lo lắng bưởi Năm Roi ở Bình Minh – Vĩnh Long sẽ tuyệt chủng khi xây dựng cầu Cần Thơ và các khu công nghiệp. Trước sức ép đô thị hóa và chuyển đổi cây trồng, diện tích bưởi bị co cụm. Năm 2007, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam tài trợ cho 26 hộ ở xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh) thực hiện quy trình GlobalGAP trên 23,5 ha bưởi Năm Roi. Cuối năm 2008, các hộ này được tổ chức SGS New Zealand Limited cấp quyết định chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy trình GlobalGAP. Những tưởng đây sẽ là điều kiện giúp vùng bưởi này phát triển mạnh, nhưng thực tế, bưởi Năm Roi phải loay hoay tiêu thụ nội địa qua hệ thống siêu thị này. Năm 2009, các hộ dân cung cấp khoảng 600 tấn bưởi GlobalGAP cho thị trường, chỉ bằng 1,38% sản lượng bưởi ở xã Mỹ Hòa.
Huyện Bình Minh hiện có 2.033 ha đất trồng bưởi Năm Roi. Riêng xã Mỹ Hòa chiếm đến 1.240 ha. Sau một thời gian theo đuổi “giấy thông hành” GlobalGAP, nhà vườn Bình Minh lại chán nản… buông bưởi Năm Roi. Nguyên nhân chính là không thấy lợi ích kinh tế thực sự mà tiêu chuẩn này mang lại. Bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP phần lớn bán xô – ngang giá với bưởi nhà vườn trồng theo kiểu truyền thống.
Bên cạnh đó, khi bán cho các HTX, doanh nghiệp để xuất khẩu thường bị đánh lận về các tiêu chuẩn chất lượng. Và tất nhiên, hệ lụy của nó là các HTX không có kinh phí tái công nhận GlobalGAP, phải xin gia hạn 6 tháng, rồi gia hạn thêm 3 tháng nữa… Chi phí để tái công nhận cho các hộ trong HTX khoảng 7.700 USD rõ ràng là một khoản tiền lớn.
Cam sành hạ đo ván bưởi Năm Roi!
“Tui trồng 2,5 ha bưởi gần 10 năm rồi. Nay tui trồng xen cam sành, mỗi năm thu nhập ngang với bưởi năm roi. Nếu tui cưa bưởi mà trồng toàn cam sành, cây có tán rộng thu nhập hàng năm mỗi công có thể từ 150 - 200 triệu đồng. Bây giờ, bà con đều xen 70% cam sành trong bưởi. Tui nghĩ sắp tới sẽ chẳng ai trồng bưởi nữa” - ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) bùi ngùi tâm sự.
Thật xót xa khi nhà vườn ở đây cưa bỏ bưởi Năm Roi để trồng cam sành. Theo nhiều nông dân, gần đây bưởi Năm Roi không có đầu ra, giá cả bấp bênh, trong khi cây cam sành giá cả ổn định từ 10.000 đồng – 30.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn trồng cam sành đạt thu nhập 1 tỷ đồng/ha. Thực tế trên đã khiến nhiều hộ nông dân trồng xen cam sành vào vườn bưởi; nhiều hộ phá cả vườn bưởi để trồng cam sành. Hiện diện tích cam sành tăng gần 3.300 ha, trong khi diện tích bưởi Năm Roi từ 2.500 ha giảm còn 1.900 ha.
Được biết, Hậu Giang đang tiến hành xây dựng thương hiệu bưởi Năm Roi và triển khai xây dựng vùng chuyên canh bưởi rộng 3.200 ha. Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành lo lắng: “Nhà vườn trồng cam sành phát triển rất tốt, cho thu nhập cao, lợi nhuận gấp 3 lần bưởi Năm Roi. Tôi đang lo trong những năm tới diện tích vườn bưởi hiện còn sẽ mất luôn”.
Vốn, giống và đầu ra?
Theo ông Trần Quang Hành, diện tích trồng bưởi ở đây không được công nhận đạt bất kỳ tiêu chuẩn nào vì khu công nghiệp lân cận không xử lý tốt môi trường. Có nhà vườn ở đây ví von: Điều đó có khi lại may vì nếu được công nhận biết đâu lại chung cảnh như HTX ở Bình Minh? Trở lại câu chuyện ở HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa càng buồn khi chính ông chủ nhiệm HTX thừa nhận: “Rất nhiều công ty đặt hàng nhưng không ứng vốn, HTX không tổ chức thu mua vì năng lực tài chính có hạn”. Xây dựng được tiêu chuẩn GlobalGAP là đã khó (vì phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt lại tốn nhiều chi phí) song giữ được nó càng khó hơn. Chuyện tín dụng thông thoáng kèm theo cho vùng bưởi GlobalGAP, nhất là HTX phải được ưu tiên. Không hiểu người dân đầu tư GlobalGAP để chạy theo phong trào hay vì muốn giữ được thương hiệu và vùng nguyên liệu bưởi Năm Roi?
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cam kết hỗ trợ 50% vốn kinh phí để tái công nhận chuẩn GlobalGAP cho các nhà vườn ở Bình Minh, số còn lại sẽ do HTX tự vận động. Phải chăng đây là cách hỗ trợ thiết thực khi HTX đã được trao “cần câu GlobalGAP” nhưng không tận dụng được cơ hội? Vấn đề đang đặt ra là các HTX, doanh nghiệp có liên kết lại để xây dựng thương hiệu mạnh cho bưởi Năm Roi Mỹ Hòa; có thu mua bưởi của nhà vườn trồng theo chuẩn GlobalGAP cao hơn giá bưởi trên thị trường hay không? Còn nhà vườn ở Hậu Giang lại đặt vấn đề: Cần phải tuyển chọn giống tốt, hỗ trợ vốn, cây giống, kênh tiêu thụ và phân phối hợp lý để tái tạo vùng bưởi. Hiện tại, nông dân đang tự bơi và chuyện chạy “theo đuôi” thị trường: cam sành có giá nên chặt bỏ bưởi, đến ngày nào đó, cam sành nhiều, giá rớt, bưởi có giá, ta lại chặt bỏ cam sành!?
Cao Phong