Gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) ở TPHCM thời gian qua có sự phát triển khá nhanh và được TP khuyến khích, góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp từ cây lúa giá trị thấp sang những loại cây, con giá trị cao đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho người dân vùng ven và ngoại thành. Trong đó, cá sấu là ĐVHD có sự phát triển nhanh và nhiều nhất, hiện đã có trên 190.000 con với 58 tổ chức và cá nhân gây nuôi. Chi cục Kiểm lâm TP cũng đã cấp mã số thẻ Cites cho 4 doanh nghiệp vơi 12.706 thẻ (10.800 con cá sấu sống, 1.450 da muối, 456 da thuộc). Năm 2010 đã xuất khẩu 2.455 con, bán nội địa trên 32.700 con cá sấu nước ngọt. Hạn ngạch đăng ký xuất khẩu cá sấu năm 2011 là 15.000 thẻ. Từ năm 2000 đến nay kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng từ cá sấu đạt 2,5 triệu – 3 triệu USD/năm.
Có thể nói, TPHCM trở thành trung tâm nuôi, chế biến (da thuộc, thịt, sản phẩm thủ công mỹ nghệ) và xuất khẩu cá sấu của khu vực. Theo nhận định của Công ty Cá sấu Hoa Cà, vùng sông Đồng Nai và đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng lớn về việc phát triển gây nuôi cá sấu. Một khi khu vực này được đầu tư đúng mức về vốn, KHKT, con giống, nơi đây sẽ trở thành vựa cá sấu của cả nước và thế giới, đem lại nguồn lợi lớn cho bà con, địa phương và doanh nghiệp. Hơn nữa, cá sấu dễ nuôi, chi phí thức ăn thấp, lớn nhanh, ít bệnh, sinh sản tương đối dễ dàng. Từ 1998 đến 2008, sự gia tăng từ vài trăm con lên trên 200.000 con là minh chứng thuyết phục về điều này. Khi còn là Phó Chủ tịch UBNDTP, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khuyến khích các doanh nghiệp, nhà khoa học, người nuôi cùng chung xây dựng để Việt Nam trở thành cường quốc về cá sấu.
Với những ưu thế này, ngành lâm nghiệp, chính quyền địa phương và người nuôi nhận thấy cần có tổ chức (hiệp hội) nhằm giúp việc hoạt động, kinh doanh cá sấu phát triển ổn định, mang lại lợi ích chung cho các bên. Hiệp hội sẽ gắn chặt hơn quan hệ hợp tác giữa các cơ sở kinh doanh cá sấu, xây dựng và thực thi các quy tắc ứng xử phù hợp với quy tắc đạo đức ngành nghề giữa các thành viên, có đại diện đủ tư cách pháp lý để xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế. Ban vận động thành lập Hiệp hội Cá sấu Việt Nam đã gửi thư vận động, dự thảo liên quan đến hơn 350 cơ sở gây nuôi, kinh doanh cá sấu, nhưng đến nay mới có 45 đơn xin gia nhập (yêu cầu phải có trên 100 đơn tự nguyện tham gia). Theo ông Tôn Thất Hưng, Trưởng ban vận động, Giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà, việc trì hoãn này là do: chưa có một hình ảnh cụ thể hay viễn cảnh rõ ràng của hiệp hội, để giúp cho các cơ sở thấy được lợi ích khi tham gia.
“Buôn có bạn, bán có phường” đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Chỉ có sự thống nhất phương thức kinh doanh, tạo nguồn hàng ổn định mới phát triển bền vững.
Đăng Lãm