Buôn người trên mạng

Buôn người tại khu vực ASEAN - với 600 triệu dân và số người sử dụng internet đã tăng gấp đôi -  đã được khuếch tán rộng rãi hơn so với những gì người ta nghĩ trước đây. Theo Eastasiaforum, mặc dù ASEAN đã ký Tuyên bố chống nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, nhưng vẫn chưa có tiến triển nào đáng kể khi tuyên bố này được đưa vào thực tiễn.

Trong báo cáo toàn cầu của Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC) về buôn người mới đây, Đông Nam Á và châu Á Thái Bình Dương chiếm gần 40% số nạn nhân trẻ em được phát hiện. Các mạng lưới buôn người tìm trẻ em để nhận nuôi bất hợp pháp, khai thác mua bán tình dục, lừa trẻ buôn bán ma túy và bóc lột lao động. Trẻ dưới 18 tuổi sử dụng các trang mạng xã hội thường trở thành nạn nhân của những tên buôn người. Có đến khoảng 1/4 trẻ em bị mất tích ở Indonesia được tìm thấy cho biết đã gặp gỡ những kẻ bắt cóc trên các trang mạng xã hội, như Facebook.

Tháng 2-2014, chính quyền Trung Quốc đã giải cứu được 328 em và bắt giữ hơn 1.000 kẻ tình nghi mua bán trẻ em trên mạng. Vụ truy tìm đường dây này theo sau một chiến dịch kéo dài 6 tháng mà trong đó chính quyền phát hiện một trang web quảng bá nhận nuôi con tư nhân. Cơ quan thực thi pháp luật sau đó đã phát hiện ra một thị trường chợ đen trực tuyến kết nối người mua và người bán tại 4 trang web.

Bùng nổ công nghệ điện thoại di động trong khu vực đã tạo ra điều kiện thông tin liên lạc dễ dàng hơn và cho sự điều phối của các tay buôn lậu, từ tuyển dụng, chứa chấp, vận chuyển và cung cấp các hình thức thương mại tình dục và lao động cưỡng bức ngày một nhiều hơn. Mức độ tội phạm mạng đang gia tăng khi mà hoạt động trên mạng của chúng không cần những “kỹ năng phức tạp”.

Mặc dù những biện pháp chống buôn người đang cải tiến, nhưng các chính phủ trong khu vực ASEAN cần một chiến lược đa phương tập trung vào truy tố, nâng cao nhận thức và phối hợp với các lĩnh vực tư nhân. Các công cụ trực tuyến có thể cũng được sử dụng một cách sáng tạo để chặn nạn buôn người qua biên giới. Singapore đã đề ra Kế hoạch Hành động quốc gia từ 2012 - 2015 với chiến lược 4P gồm phòng ngừa (prevention), khởi tố (prosecution), bảo vệ (protection) và quan hệ đối tác (partnership).

Ngoài ra, các quốc gia châu Á nên cân nhắc áp dụng một số thành tựu trong tác nghiệp chống nạn buôn người của Chính phủ Mỹ và châu Âu, phần lớn đều nhận thức rằng cần áp dụng những tiến bộ công nghệ thông tin. Chẳng hạn như The Virtual Global Taskforce đã giúp kết nối các cơ quan thực thi pháp luật và các tổ chức đối tác khác lại với nhau để bảo vệ trẻ em tránh nạn lạm dụng trên mạng.

Năm 2012, Operation Endeavour - lực lượng hợp tác của Australia, Anh, Mỹ và Philippines thông qua Virtual Global Taskforce, sử dụng các công cụ trực tuyến như dữ liệu bản đồ đã dẫn đến 29 vụ bắt giữ, trong đó có 11 vụ ở Philippines.

Tháng 10-2013, lần đầu tiên chiến dịch chống buôn người trên điện thoại di động mang tên Taken Campaign được áp dụng để đánh dấu ngày Chống bóc lột lao động ở London, Anh. Năm 2013, việc áp dụng chống buôn người trên điện thoại di động được tổ chức RedLight Traffic ở Mỹ phát triển thêm.

Cùng với Polaris Project (một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ), các ứng dụng đã cung cấp cho người dùng các chỉ số buôn bán tiềm năng và những tín hiệu cờ đỏ để xác định nạn nhân, một ứng dụng chỉ cần học trong 20 phút là có thể nhận dạng đâu là buôn người. Ngoài ra còn có một biện pháp (được giấu tên) để báo cáo các trường hợp bị tình nghi đến chính quyền địa phương và một công cụ chia sẻ để thành lập mạng lưới cộng đồng địa phương chống lại nạn buôn người.

Các chuyên gia pháp luật khuyên tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để chống nạn buôn người trên mạng đang gia tăng ở Đông Nam Á là biện pháp “lấy mỡ nó rán nó” cần được phát triển đa phương, lâu dài và nâng cao nhận thức giữa các bên có liên quan. Biện pháp này đặc biệt quan trọng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực được xem là nguồn cũng như là điểm đến của các nạn nhân của nạn buôn người.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục