Đảo lộn vì vàng
Trên đường từ trung tâm xã Cắm Muộn vào bản Huồi Máy, dọc suối Huồi Máy, chúng tôi bắt gặp rất nhiều bãi đất đá ngổn ngang, thỉnh thoảng lại thấy một vài cỗ máy hoen gỉ do những người khai thác vàng bỏ lại.
Anh Lô Văn Huấn, một người dân ở đây, cho biết: “Những chỗ này là ruộng lúa nước. Chúng tôi bị mấy người khai thác vàng ép bán ruộng với giá rẻ. Lúc đầu không đồng ý nhưng bị đe dọa và lừa phỉnh nên đành phải chấp nhận. Giờ vàng hết, họ bỏ đi để lại hai bên bờ suối đất đá ngổn ngang, chúng tôi lại cải tạo đất để trồng lúa. Tiền bán “đất vàng” không đủ để cải tạo đất trồng lúa”.
Còn anh Lô Văn Thìn cho hay: “Miếng đất này được tôi mua lại của chủ vàng với giá 3 triệu đồng. Họ khai thác vàng xong toàn trơ lại đá. Để cấy được lúa, tôi phải mất cả tháng trời nhặt đá lên đắp thành bờ rào như thế này, sau đó dùng máy bơm nước vào đồi để đất màu trôi xuống phủ thành ruộng như bây giờ. Ở đây, giờ ai muốn làm ruộng đều phải học cách của tôi, nhưng tốn kém lắm”.
Nhưng sự giàu có của vùng đất “vàng vui” đã lọt vào tai của giới khai thác vàng. Từ những năm cuối của thế kỷ trước đến nay, Cắm Muộn không còn yên tĩnh nữa. Có thời điểm, dân tứ xứ đổ về dựng lều trại khai thác vàng bừa bãi, làm náo loạn cả vùng đất.
Trước sự xâm hại này, người dân Cắm Muộn ra sức bảo vệ bằng cách ngăn đường, chống trả, nhưng rồi những người dân hiền lành nơi đây đành phải thúc thủ trước sự hung hãn của “vàng tặc”. Vùng đất “vàng vui” giờ chỉ còn trong ký ức, bởi nạn khai thác vàng đã làm mất đất, mất ruộng, mất nhiều loại gỗ quý như pơ mu, bách xanh… và khiến nhiều thanh niên trong làng hư hỏng.
Bản “nhiều không” giữa đại ngàn
Là một phần của bản Cắm, nhưng do nằm tách biệt giữa đại ngàn nên Huồi Máy có tên riêng. Bản có 39 hộ dân với hơn 177 nhân khẩu, đều là đồng bào Khơ Mú. Người dân nơi đây vốn di cư từ huyện Tương Dương đến.
Sau này, cụm dân cư được chính quyền địa phương ghi nhận là một đội sản xuất. Khi mới định cư, dân bản gần như sống tách biệt với thế giới bên ngoài, họ duy trì sự sống theo lối tự cung tự cấp. Nhưng qua thời gian, dân Huồi Máy đã tìm đường giao lưu, trao đổi hàng hóa với đồng bào Thái ở các bản ngoài trung tâm xã.
Ban đầu không có đường, họ đi bộ mãi rồi cũng thành hình. Dù vậy nhưng hành trình vào ra Huồi Máy luôn là một thử thách khi phải trải qua hơn 15km đường đồi núi dốc, với 14 lần lội suối, mất hơn 4 tiếng đồng hồ. Vào những ngày mưa to, gió lớn, Huồi Máy bị cô lập hoàn toàn.
Đến nay, Huồi Máy vẫn nằm trong tình trạng “nhiều không”: không đường giao thông, không điện lưới, không sóng điện thoại… Việc phát triển kinh tế của các hộ dân nơi đây gặp nhiều khó khăn vì đất sản xuất rất ít. Họ chủ yếu làm nương rẫy và phát triển chăn nuôi gia súc, thế nhưng đàn gia súc cũng thường xuyên gặp dịch bệnh mà chết.
Có đợt dịch, có nhà chết cùng lúc 6-7 con trâu bò, đây là cả một gia tài lớn. Nhưng dân bản đành chịu vì ở quá xa trung tâm nên không tiêm phòng được. Cũng vì ở quá xa trung tâm nên trước đây người dân Huồi Máy đã bầu một người làm “đội trưởng”.
Người này đại diện cho dân ra xã để xin gạo vào mùa giáp hạt, nắm các chủ trương, chính sách mới để về nói cho dân rõ... Thế nhưng, “đội trưởng” không duy trì được lâu, vì quãng đường xa, đi lại khó khăn vất vả nhưng không có chế độ hay phụ cấp gì.
Già làng Vi Văn Quế cho biết, gần 100% hộ dân ở Huồi Máy vẫn nằm trong diện hộ nghèo. Năm nào người dân nơi đây cũng phải nhận gạo cứu đói của Chính phủ. Không chỉ vậy, việc định cư xa trung tâm bản Cắm, trung tâm hành chính xã nên Huồi Máy như một đứa con chịu nhiều thiệt thòi.
Già Quế tâm sự: “Cả bản 37 hộ dân định cư ở đây nhưng chưa hộ nào có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Mọi chính sách đến với dân bản chậm lắm”.
Người giàu nhất bản
Ở Huồi Máy, gia đình ông Vi Văn Cường được xem là giàu nhất bản. Đơn giản vì nhà ông không thiếu gạo ăn vào mùa giáp hạt. Ông Cường là thương binh hạng 2/4.
Năm 1977, ông vào bộ đội và chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam. Trong một trận đánh, ông bị thương, mất 2/3 chân phải. Sau quá trình điều trị, năm 1984 ông trở về Huồi Máy đoàn tụ cùng gia đình. Những năm đó, Huồi Máy hoàn toàn tách biệt với bên ngoài. Đời sống của người dân rất khó khăn, lạc hậu.
Cũng như các gia đình khác, vợ chồng ông Cường gặp muôn vàn thiếu thốn. Nhưng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, ông Cường không cam chịu đói nghèo. Hàng ngày, dân bản thấy ông Cường chống nạng cùng vợ vào khu vực khe suối cách xa bản. Ông tìm những miếng đất bằng phẳng ven suối và bắt đầu phát quang rồi đào, cuốc, san phẳng.
Cứ như thế nhiều tháng trời, những thửa ruộng hình thành. Khi những cây lúa đã lên xanh ruộng, ông lại cùng vợ tìm phát đồi mở thêm diện tích rẫy dốc. Cho dù khi ấy năng suất bấp bênh nhưng gia đình ông đã bắt đầu bớt dần cái đói.
Không bằng lòng với kết quả đạt được, ông Cường dành tiền trợ cấp thương binh để mua trâu, bò, heo, gà về, rồi dựng lán trại giữa rừng phát triển chăn nuôi. Ông chặt chuối rừng trộn với cám lúa để cho gia súc, gia cầm ăn.
Có thời điểm, đàn gia súc của gia đình ông có 14 con trâu, bò. Trong lúc cả bản đang trong cảnh đói nghèo thì nhờ sự chăm chỉ, có kế hoạch, mà kinh tế gia đình ông khá vững.
Ông Cường trăn trở: “Ở đây giữa rừng sâu nên gặp muôn vàn khó khăn. Đất rẫy dốc, bạc màu, thiên tai đe dọa nên năng suất bấp bênh lắm. Ruộng lúa nước của dân bản thì bị vàng tặc băm nát hết. Đàn gia súc không được tiêm phòng bệnh dịch nên thường gặp rủi ro. Ở đây làm gì cũng khó, dân bản sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn”.
Điều đáng mừng là dân bản thấy vậy cũng học theo ông Cường để làm ruộng, làm rẫy, chăn nuôi. Sự chăm chỉ, cần mẫn thì người dân có thừa, nhưng để vùng đất nghèo thực sự thay da đổi thịt, có lại “vàng vui”, rất cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những chính sách thiết thực, với sự hỗ trợ nhiều mặt.