Bứt phá trong giáo dục đại học

Với thực tế giáo dục đại học còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và kỹ năng làm việc của sinh viên như hiện nay, rõ ràng rất cần một sự bứt phá cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các trường ĐH, doanh nghiệp, người học.

Tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng các trường đại học châu Á 2024 (QS AUR 2024). Trong kỳ xếp hạng này, Tổ chức Quacquarelli Symonds đã xếp hạng cho 857 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) của châu Á và Việt Nam có 15 cơ sở được vào bảng xếp hạng này.

Trường ĐH Duy Tân có thứ hạng cao nhất (115), tăng 30 bậc so với năm trước. Nhóm 200 còn có Trường ĐH Tôn Đức Thắng (hạng 138), ĐH Quốc gia Hà Nội (hạng 187).

Thời gian qua, quy mô GDĐH, công tác quản lý, quản trị ĐH có bước phát triển, nhiều đổi mới. Giai đoạn 2013-2021, số lượng cơ sở GDĐH tăng từ 207 trường lên 237 trường; quy mô đào tạo các trình độ GDĐH tăng hơn 30%, từ hơn 1,5 triệu người lên 2 triệu người. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ tăng từ 14,3% năm 2013 lên 31,2% năm 2021. Nhiều trường đã tích cực, chủ động phát triển các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế… Tuy nhiên, nhìn chung quy mô GDĐH tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức.

Theo Bộ GD-ĐT, nguyên nhân chính dẫn tới hạn chế về chất lượng GDĐH gồm: cơ chế đánh giá cũng như giám sát chất lượng chưa thực sự hiệu quả, thực chất; hành lang pháp lý của tự chủ ĐH chưa đồng bộ; năng lực quản trị của một số cơ sở GDĐH còn yếu… Đặc biệt, nguồn lực đầu tư cho GDĐH còn rất thấp so với yêu cầu phát triển. So với khu vực và thế giới, tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho GDĐH chỉ bằng 1/3, 1/2 so với mức trung bình của khu vực.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, để nâng cao chất lượng GDĐH, nên tăng cường yếu tố tác động đến chất lượng, trong đó có cơ chế chính sách phân bổ và kiểm soát hiệu quả các nguồn lực từ Nhà nước, nhất là ngân sách Nhà nước. Song song với đó, cần có cơ chế, chính sách phân bổ ngân sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng; tăng cường tính minh bạch, giám sát đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, để có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, tăng nguồn đầu tư của Nhà nước cho GDĐH, điều quan trọng là Bộ GD-ĐT phải trình được quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH, đây là nhiệm vụ được giao từ khá lâu nhưng chưa hoàn thành.

GDĐH Việt Nam đang phát triển nhưng như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, tốc độ phát triển đó là chậm, không có bứt phá những năm qua. Chúng ta vẫn đang loay hoay với việc làm thế nào để các trường đại học “đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo”, để bứt phá. Với hệ thống GDĐH công, muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá, vừa phải huy động mạnh mẽ nguồn lực từ phía xã hội, doanh nghiệp, vừa phải có sự đầu tư mang tính bứt phá từ ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó, cơ quan quản lý cần hoàn thiện thể chế, tháo gỡ “điểm nghẽn” đang tạo ra lực cản cho tự chủ ĐH, như vấn đề viên chức, quản lý tài sản công, sở hữu trí tuệ… Nói cách khác là cần có đột phá về thể chế, mở đường cho tự chủ ĐH.

Trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, vấn đề giáo dục, GDĐH và nguồn nhân lực được rất nhiều đại biểu quan tâm, trăn trở. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng công cuộc chuyển đổi số, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao và vai trò của trường ĐH càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, với thực tế GDĐH còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và kỹ năng làm việc của sinh viên như hiện nay, rõ ràng rất cần một sự bứt phá cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các trường ĐH, doanh nghiệp, người học.

Mà một trong những vấn đề quan trọng nhất là cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đảm bảo chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống GDĐH Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Tin cùng chuyên mục