Cà Đam mơ ước thoát nghèo

Ở núi Cà Đam này, người Cor, người Hrê xã Trà Bùi (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) sống biệt lập giữa núi rừng. 
Cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Trà Bồng (bên phải) đang nghiên cứu loại sâm 7 lá tại vườn ông Tạo
Cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Trà Bồng (bên phải) đang nghiên cứu loại sâm 7 lá tại vườn ông Tạo
Mỗi thôn tựa lưng lấy núi làm nhà, men theo triền núi thì phát rẫy tạo thành những rừng keo, đồi quế... Bao đời, cái nghèo cứ dai dẳng bám riết lấy họ.
Mang danh “nghèo nhất huyện”
Khung cảnh quen thuộc của thôn Quế (xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) hiện ra sau núi Cà Đam. Cơn  mưa lất phất khiến những con đường đẫm hơi sương và bùn đất dày, người chạy xe chỉ có cách dắt xe đi bộ băng qua dốc. Mỗi con dốc ở đây đều được các thầy cô miền xuôi đặt tên, dốc A, dốc B… kéo dài đến Z, hết dốc mới thấy thấp thoáng nóc nhà.
Cà Đam mơ ước thoát nghèo ảnh 1 Những nóc nhà thôn Quế dưới đỉnh núi Cà Đam
Khi sương vẫn còn giăng đọng trên lá, những đứa trẻ đã cắp sách đến trường. Một lớp học chỉ khoảng 17 em 3 - 5 tuổi, ngồi xếp hàng ở dưới nền gạch cũ. Trường Mầm non Trà Bùi nằm lọt thỏm dưới con dốc ở tổ 7 (thôn Quế, xã Trà Bùi). Những đứa trẻ ở vùng này mỗi lần đi học đều mang theo gô cơm ăn trưa và chiếc chìa khóa nhà để tự về. Điểm trường tổ 7 chỉ vỏn vẹn 2 phòng học và 1 phòng giáo viên, có 5 thầy cô ở lại dạy học. Cô giáo Trịnh Thị Chiêu kể: “Khổ nhất là trời mưa, đồ giặt không khô, trẻ con không có áo mặc, nằm co ro trong chăn. Nhiều đứa đến trường không có dép để mang, nên nhiều lần về dưới xuôi, các thầy cô đều mang thêm quần áo cũ lên cho học trò”. 
Ở thôn Quế chỉ vỏn vẹn 89 hộ, 100% người dân đều sống nhờ cây quế, các cơ sở vật chất như nhà văn hóa thôn vẫn chưa có, trạm y tế xã lại càng xa, đường sá vẫn còn ngổn ngang đất đá. Từ mờ sáng, người dân vác rìu lên rẫy rồi lặn lội về tận chiều muộn. Tối đến, cả xóm thu nhỏ, chỉ còn ánh điện hiu hắt phát ra từ cửa hàng tạp hóa duy nhất của thôn trông nhìn ra dáng “thành thị”, điện thoại càng về gần núi Cà Đam thì càng mất sóng.
Kể cái danh “xã nghèo nhất huyện”, ông Hồ Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bùi, thống kê rõ ràng: “Xã có 485 hộ, 1.936 nhân khẩu; trong đó, hộ nghèo đến 411 hộ, chiếm 83,7%. Xã có 6 thôn, mỗi thôn “trấn giữ” một quả núi, các thôn hầu hết đều nghèo, các điểm trường tiểu học và mầm non nằm rải rác ở các tổ, bản, cơ sở vật chất thiếu thốn. Đèo núi heo hút, mỗi mùa bão đến, dân di cư đến trung tâm xã trú ngụ. Để chống sạt lở núi, mưa lũ, xói mòn đất, người dân nghĩ cách khiêng đá về nhà làm bờ kè quanh nhà”.
Thôn Quế đã nghèo, thôn Tang lại càng nghèo, ông Hồ Văn Thanh nói: “Thôn Tang có nhiều không, không điện quốc gia, không đường, không trạm y tế… Muốn vào thôn Tang phải mất 2 giờ đi rừng, phụ nữ yếu sức phải đến 3-4 giờ”. Mùa mưa, thôn bị cô lập do xói mòn đất. Người dân nơi đây sống bằng nương rẫy, có vài hộ trồng keo nhưng vì không thể vận chuyển ra khỏi rừng nên cũng dần ít người trồng, cả thôn có 65 hộ thì “đạt” 100% hộ nghèo. Người thôn Tang thường kể chuyện ông Hồ Văn Châu (68 tuổi) sống suốt 20 năm trong rừng già, biệt lập với thế giới. Nhiều lần, mọi người thuyết phục ông về với làng nhưng ông Châu không muốn về, thỉnh thoảng con cái mang đồ ăn và đồ dùng sinh hoạt cho ông. Cái nghèo cứ bám thấy thôn Tang…
Có lẽ “khấm khá” hơn nhờ được nằm bằng phẳng trên quả núi Tà Nghi là thôn Nước Nia. Ông Hồ Văn Nguyên, Trưởng thôn Nước Nia, cho biết: “Thôn có 87 hộ, 358 nhân khẩu thì có được 38 nhà xây dựng kiên cố bằng xi măng, 27ha quế, hơn 40ha keo rừng, có đường sá giao thông thuận lợi, nhờ đó đã có… 5 hộ thoát nghèo”. Thôn Nước Nia nhìn ra chỉ có keo rừng, mì và lúa rẫy. Hai năm trở lại đây, cây quế được đưa về trồng nhưng cũng phải chờ 10 - 20 năm mới thu hoạch. Cả làng có ruộng lúa nước nhưng đã bỏ hoang nhiều năm. Anh Hồ Hoàng, người thôn Nước Nia, cho biết thu nhập cả gia đình chỉ trông chờ vào 4.000 gốc keo, vừa rồi bán được 20 triệu đồng, còn cây quế thì mới trồng 2.000 cây. “Người dân đa số nghèo, không ai làm kinh tế, vật nuôi cũng ít. Bây giờ chỉ xin hỗ trợ ít trâu bò và đường ống nước, giống lúa để làm lại ruộng nước, thử xem có khá hơn không”, ông Nguyên giãi bày.
“Cây vàng” trên núi Cà Đam
Núi Cà Đam nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, Trưởng thôn Quế, ông Hồ Văn Tạo, kể rằng chữ Cà Đam trong tiếng Cor nghĩa là “núi lớn”. Theo truyền thuyết, cách đây ngàn năm, ở khắp các ngọn núi đều bị lở đất sụp xuống, chỉ có Cà Đam còn đứng vững. Người dân Cà Đam về ở dọc chân núi, được “Thần rừng” che chở, quanh năm không ốm đau, không khí trong lành, có nguồn nước suối Ba Tầng chảy khắp, đá trên rừng cứng cỏi giúp dân dựng nhà kiên cố. Trên núi Cà Đam này, chỉ mới đây, người dân phát hiện loại tỏi Cà Đam. Ông Hồ Văn Thanh nói: “Tỏi mọc trên đất ẩm, đường kính 5 - 10cm, mỗi củ ra 3 - 4 tép, khi ăn có vị chát, hình dáng giống với tỏi mình”. 
Không chỉ tỏi Cà Đam, “Thần núi” còn đặc biệt ưu ái mang đến cho người dân loài sâm 7 lá quý hiếm, củ sâm nặng 1,3 - 1,5kg. Những năm 2011, khi thương lái biết đến loại sâm này đã lên tận thôn bản tìm mua, trai làng ngày đêm lên núi kiếm củ sâm về bán. Ông Tạo nói: “Hồi đó giá 200.000 đồng/kg, nhưng rồi sâm ngày càng hiếm, bây giờ người ta mua với giá 500.000 đồng/kg nhưng làng tìm không ra nữa, phải lên tận gần đỉnh núi mới mong tìm thấy”. 
Thế là với mong muốn thoát nghèo, ông Tạo là người đầu tiên “thí nghiệm” mang 5 củ sâm về trồng ở làng và những phát hiện về sinh trưởng của loại sâm này được ông kể lại tỉ mỉ. Sau 2 - 3 tháng, từ củ sâm được giâm sẽ nứt ra thân, đến gần 3 năm ra hoa trắng, chiều cao cây khoảng 30cm, trên đọt thân sẽ có 5 - 7 lá. Sâm 7 lá thường nằm trong các bóng mát ở ven suối, nơi ẩm ướt nên ông cũng cẩn thận che nắng, tưới nước, nhưng tỷ lệ sống thấp. Dù vậy, ông Tạo vẫn hồ hởi nói: “Cây héo nhưng củ sâm vẫn sống tốt, quan sát có thể trồng lại được và tôi sẽ thử nghiệm trồng dưới tán rừng nhỏ, nơi có điều kiện thích hợp hơn trồng vườn nhà”. 
Những tín hiệu về “cây vàng” trên núi Cà Đam này đã khởi sắc trong lòng bản làng, khi mà huyện Trà Bồng đề xuất làm đề tài khoa học, nghiên cứu đặc điểm sâm 7 lá, với hy vọng nhân giống thành công. Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của huyện, tỉnh đã vạch ra nhiều kế hoạch để giúp dân Cà Đam thoát nghèo, các cán bộ huyện thường xuyên xuống xem xét tình hình sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân. Ông Hồ Văn Thanh cho biết: “Tuyến đường từ thôn Nước Nia đi thôn Quế dài 4,5km đang được san ủi mặt bằng, còn tuyến đường thôn Quế đến trung tâm xã dài 30km vẫn là điều mơ ước. Ngoài ra, để cải thiện đời sống người dân, thôn Tang rất cần có một con đường băng qua rừng để bà con đi rẫy, học sinh đến trường đỡ khổ”.
Hiện tại, huyện Trà Bồng đang quy hoạch gần 600ha phát triển du lịch sinh thái rừng Cà Đam, nơi Tỉnh ủy Quảng Ngãi đóng cơ quan trong thời chiến tranh, có khí hậu mát mẻ. Đây cũng là giải pháp bảo vệ sâm 7 lá, hệ động thực vật. “Trà Bùi còn là vùng đất bạt ngàn quế, với những hàng keo trên đồi và rồi những đồi lim xanh đang là cơ hội giúp người dân tin vào tương lai sáng hơn”, ông Hồ Năn Thanh tin tưởng.

Tin cùng chuyên mục