Cà kê chuyện bật lửa

Đầu thế kỷ trước, sĩ tử lều chõng đi thi vẫn phải dùng bộ đá đánh lửa để hút thuốc lào trong lều của mình. Ông nội tôi kể rằng gặp hôm mưa phải nhịn thuốc loay hoay khốn khổ. Bùi nhùi ẩm không thể nhóm lửa được. Chẳng biết chuyện ông nội hỏng thi có liên quan gì đến việc đánh lửa bằng bùi nhùi không? Nhưng đó chắc chắn là thế hệ cuối cùng người Việt tạo ra lửa bằng kỹ thuật nguyên thủy.

Đầu thế kỷ trước, sĩ tử lều chõng đi thi vẫn phải dùng bộ đá đánh lửa để hút thuốc lào trong lều của mình. Ông nội tôi kể rằng gặp hôm mưa phải nhịn thuốc loay hoay khốn khổ. Bùi nhùi ẩm không thể nhóm lửa được. Chẳng biết chuyện ông nội hỏng thi có liên quan gì đến việc đánh lửa bằng bùi nhùi không? Nhưng đó chắc chắn là thế hệ cuối cùng người Việt tạo ra lửa bằng kỹ thuật nguyên thủy.

Chiếc bật lửa dùng dầu hỏa hẳn là phải được theo chân những người Pháp vào xứ Đông Dương cùng với xăng dầu. Người Việt còn gọi nó là cái “máy lửa” cho đến tận vài chục năm trước. Một cái “máy” thực sự hiện đại sau gần triệu năm cầm hai hòn đá đập vào nhau bắn lửa sang mớ bùi nhùi bông.

Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, chiếc bật lửa vẫn còn là thứ hiếm hoi sang trọng. Ai đi nước ngoài mang về một cái bật lửa được coi như thứ đồ trang sức đắt tiền xa xỉ. Chỉ có thể mang bán chứ không tặng ai bao giờ. Thế nên mới có chuyện hư truyền rằng thủ trưởng đi công tác nước ngoài về hỏi lái xe: “Cậu có bật lửa chưa?”. Lái xe luýnh quýnh móc hai chân vào nhau nghĩ mình sắp được tặng, vội đáp: “Cháu chưa có!”. Thủ trưởng trầm ngâm lắc đầu: “Tưởng có bật lửa rồi thì mình để lại cho cậu mấy viên đá!”.

Thời chiến tranh chống Mỹ ở miền Bắc chủ yếu dùng bật lửa Tàu. Bình dân có bật lửa vỏ nhôm nắp rời không chắn gió, nhuộm phẩm màu xanh đỏ như giấy bóng kính gói thuốc giun Quả núi. Đổ dầu hỏa vào bật vài cái mới lên lửa. Những đàn ông khéo tay chỉnh chiếc bật lửa của mình nhạy đến mức như một niềm tự hào. Nửa vòng cháy ngay/ Cả vòng cháy tay/ Để bàn mất bay/ Sờ túi thằng bạn thấy ngay/ Nói ra mất hay! Ở chỗ sơ tán đã có lần tôi dùng chiếc bật lửa ấy bị tuột tay văng mất mỗi thứ một nơi. Đêm đen kịt trong gian nhà rộng thênh thang chẳng biết lần sờ thế nào mà cũng tìm ra đủ cả lò xo, ốc vặn và viên đá nhỏ bằng hạt tấm lắp vào. Lại bật ra lửa mà thắp chiếc đèn dầu duy nhất cho cả nhà. Đó là chiếc bật lửa có lẽ thô sơ đến mức chỉ như để hoàn thành một khái niệm. Năm 1976 khi ở ngoài đảo Hòn Tre, Khánh Hòa tôi vẫn thấy bộ đội dùng bật lửa này. Hết xăng và dầu hỏa, mấy anh lính đi nhặt nắm bông gòn trên đảo nhúm lại làm bùi nhùi. Để vào vị trí bấc bật lửa mà bật như cách lấy lửa thời xưa. Lửa bén nhanh hơn cả xăng. Loại bật lửa này về sau có Hợp tác xã Việt Tiến cũng chế tạo được. Tuy nhiên vỏ nhôm mềm và quá mỏng nên ngồi lên hay bị bẹp. Ở thành phố có thêm vài ba loại bật lửa nữa cũng của Tàu. Gọi là bật lửa cối. Chia làm hai kiểu. Một kiểu tiết diện hình ô van dẹt có lẫy đá bập bênh và vỏ dán ảnh nhựa in hình Đại Tiền Môn giống như bao thuốc lá Tàu bấy giờ. Loại kia mạ kền hoa dâu sáng chói hình trụ đứng. Những bật lửa này dân mình gọi là cái “máy lửa” kể cũng không ngoa. Cấu tạo cơ khí rất lằng nhằng rắc rối và dễ hỏng hóc. Bộ đội và cán bộ xa nhà không ai dại gì mang theo bật lửa này đi công tác.

Đến khi Sài Gòn giải phóng mới biết thêm rất nhiều bật lửa. Ngoài chiếc Zippo còn có bật lửa Dupont, bật lửa Zenit mỏng mảnh có chắn gió hình bán nguyệt dành cho người hút tẩu. Bật lửa Dunhill, Cartier, Yves Saint Laurent… Bật lửa Zippo nồi đồng cối đá và rất có lợi thế khi bật trước gió. Hình thức đơn giản thế nhưng không thể làm giả. Bí quyết lại không nằm ở những thứ có thể trông thấy mà ở cái âm thanh của nó phát ra khi bật nắp rất đặc biệt không thể đánh lừa được tai nghe của dân sành chơi. Nhìn chung thì bật lửa hàng hiệu bao giờ cũng phát ra tiếng kêu bí ẩn đầy quyến rũ như thế khi bật nắp.

Bây giờ phải thừa nhận rằng số người hút thuốc không nhiều như trước nữa. Dĩ nhiên số người chơi bật lửa lại càng ít hơn. Quá nhiều chủng loại bật lửa mới nhưng để trở thành đồ chơi cao cấp thì vẫn chưa có gì hơn những thứ cũ. Bật lửa gas sản xuất hàng loạt bán ê hề. Ở chợ Đông Kinh trên Lạng Sơn có lẽ là nơi duy nhất còn tiêu đồng tiền mệnh giá 1.000 đồng cho một món hàng. Đó là chiếc bật lửa gas. Chính là chiếc bật lửa hồi những năm 90 thế kỷ trước, người ta còn đi bơm gas dùng lại. Những tính năng ưu việt nhất của chiếc bật lửa hàng hiệu bây giờ cũng không thể so sánh với độ tiện dụng và rẻ tiền của bật lửa thế hệ mới. Bật lửa đèn khò gió nào cũng bật được. Bật lửa sạc pin cũng thế. Bật lửa gas không dùng đá nhiều loại, nhiều cỡ và tạo hình phỏng theo đủ thứ trên đời. Cả những thứ nghiêm túc như chân dung danh nhân nghệ sĩ cho đến những món bậy bạ hài hước và bạo lực. Hàng bán rong bật lửa nào ở quán cà phê, quán bia hơi cũng rất sẵn. Họ chèo kéo mời mọc rất dai dẳng. Muốn họ đi chỗ khác không có cách nào tốt hơn là mua một chiếc. Tôi có hôm về nhà móc trong túi ra ba bốn bật lửa chẳng nhớ đã mua ở những chỗ nào. Nhìn cái mặt mình trong gương thì thấy cũng không đến nỗi gian lắm.

Ấy vậy mà đến chơi một vài nhà trong phố bây giờ vẫn không tìm đâu ra một chiếc bật lửa. Chủ nhà bảo: “Bác châm tạm thuốc lá bằng bếp gas em vậy!”. Tôi đứng phân vân cân nhắc giữa bộ râu dài của mình và điếu thuốc trên môi. Lòng không quyết bề nào…

10-2013

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục