Cả làng giữ chiêng quý

Cả làng giữ chiêng quý

Các làng ở xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) có khoảng 517 bộ chiêng, trong đó hơn 200 bộ chiêng quý, chiếm hơn 1/2 số lượng cồng chiêng trên địa bàn huyện. Ở đây, dân làng xem chiêng như bảo vật thiêng liêng nên không bất cứ thứ gì đổi trao được.

Ông Ksor Có bên chiếc chiêng quý

Đến nhà ông Ksor Có (68 tuổi, làng Dăng, xã Ia O) vào buổi chiều tà, chúng tôi thấy chủ nhà đang hì hục vác bộ chiêng quý hơn 10 chiếc cất trong kho ra hiên nhà luyện tập cùng đám trai làng. Ông Ksor Có cầm chiếc chiêng to nhất đứng đầu, tiếp theo là hàng thanh niên đứng nối tiếp với những chiếc chiêng nhỏ dần. Ksor Có cho biết, sắp tới ông cùng trai làng sẽ tham gia hội diễn cồng chiêng nên bây giờ tranh thủ tập luyện. Bộ chiêng của ông là chiêng Path, rất quý, được mua cách đây 50 năm với giá… 30 con bò. “Hồi ấy nghe giới thiệu có người bán bộ chiêng Path nên mình đạp núi băng rừng đến xem. Sau khi thử chiêng, mình chết mê chết mệt với âm thanh trong trẻo của chiêng Path. Người chủ hét giá 30 con bò, biết đắt nhưng quá thích, lại sợ mất cơ hội có được nên phải về huy động bò của nhà, người thân, bạn bè để đổi chiêng về”, ông Ksor Có nói. Suốt 50 năm qua, ông Ksor Có sử dụng chiêng Path trong đám cúng, lễ hội, tết…

Cách nhà ông Ksor Có chừng nửa cây số, nhà bà Ksor Byơih (78 tuổi, làng Dăng) cũng sở hữu bộ chiêng Path quý hiếm. Đến nhà hỏi về chiêng, bà Byơih nhìn khách chằm chằm rồi nói cụt lủn: “Đi chỗ khác mà tìm. Ở đây không có chiêng nào cả”. Đến khi trưởng thôn ra mặt, bà Byơih mới thừa nhận nhà có chiêng. “Hôm rồi thôn xảy ra mấy vụ mất trộm chiêng. Vì thế, khi thấy người lạ vào nhà hỏi chiêng, tôi đều nói dối không có để bọn trộm bỏ ý định”, bà Byơih lý giải. Nói rồi, bà Byơih bước vào buồng mở khóa tủ lấy chiêng. Chiếc tủ được gia chủ khóa 2 ổ khóa chắc nịch. Dù trộm có cạy cửa, bẻ khóa cũng mất khá nhiều công sức. Theo bà Byơih, bộ chiêng của bà có tuổi thọ hơn 100 năm, được  tổ tiên truyền lại mấy đời. Những năm trước, chồng bà hay sử dụng, nhưng 2 năm qua khi chồng mất, bà hay cho hàng xóm và con cháu mượn để đánh. “Nhiều người trả tôi hàng trăm con bò, hoặc đổi xe đẹp nhưng tôi đâu có bán. Chiêng này của tổ tiên để lại nên tôi phải giữ bằng mọi giá”, bà Byơih nói.

Ông Puih Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O, cho biết, chiêng có ở tất cả 9 buôn làng. Trong đó, nhiều hộ sở hữu 4 - 5 bộ, còn lại mỗi hộ một bộ. Nhiều bộ chiêng có tuổi đời hàng trăm năm, được truyền từ thế hệ này sang hệ khác. Cũng có bộ chiêng được mua ở tỉnh khác về. Cá biệt, có bộ chiêng được người dân sang tận Lào, Campuchia sưu tầm. “Sở dĩ xã Ia O sở hữu nhiều chiêng nhất bởi dân làng ở đây xem chiêng là máu thịt của mình, là văn hóa của dân tộc nên cần phải được gìn giữ bằng mọi giá. Nhiều hộ quan niệm trong nhà có thể thiếu bất cứ thứ gì nhưng chiêng phải có. Nhiều người không biết sử dụng cũng phải giữ chiêng trong nhà để con cháu sử dụng hoặc khi chết còn có cái để đánh tiễn mình về với trời đất. Cũng vì nhiều chiêng nên vào các dịp lễ hội, người dân đều mang chiêng ra đánh. Cả vùng rừng núi vang vọng trong tiếng chiêng”, ông Lợi nói.

Theo ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở VH-TT-DL Gia Lai), trong thời buổi nạn “chảy máu” cồng chiêng đang diễn ra, việc dân làng ở xã Ia O yêu quý chiêng, bằng mọi cách để giữ chiêng là việc làm đáng trân trọng, góp phần bảo tồn nét văn hóa dân tộc.

Võ Phúc

Tin cùng chuyên mục