Cà phê “bẩn” ở thủ phủ cà phê

Việc một số cơ sở chế biến cà phê bột pha trộn tạp chất, hóa chất (Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện trong thời gian qua) không chỉ đe dọa đến sức khỏe, làm mất niềm tin người tiêu dùng, còn gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. 
Cà phê “bẩn” ở thủ phủ cà phê

Việc một số cơ sở chế biến cà phê bột pha trộn tạp chất, hóa chất (Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện trong thời gian qua) không chỉ đe dọa đến sức khỏe, làm mất niềm tin người tiêu dùng, còn gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. 

Công an kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột do ông Quang làm chủ.

Ít cà phê, nhiều bắp và đậu nành

Ngày 19-1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột do ông Nguyễn Đình Quang (32 tuổi, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột) làm chủ. Cơ sở sản xuất chật chội, chất hàng chục bao đựng bắp, đậu nành (chưa chế biến) khắp nơi. Nhiều mẻ bắp, đậu nành đã rang, pha hóa chất đen kịt nằm trong thùng.

Ông Nguyễn Đình Quang thừa nhận, cơ sở của ông chế biến cà phê bột bằng “công nghệ” trộn cà phê, bắp, đậu nành và hóa chất với tỷ lệ 10% cà phê, 90% còn lại là các nguyên liệu nêu trên. Mỗi ngày, cơ sở chế biến khoảng 100kg cà phê, sau đó đóng gói thành từng bao loại 50kg rồi chở đi bỏ mối cho các cơ sở bán lẻ ở Đắk Nông với giá 60.000 đồng/kg.

Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc mà ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đắk Lắk (Sở NN-PTNT Đắk Lắk), trong năm 2014, đơn vị phát hiện 5 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính hơn 61 triệu đồng. Trong đó, có 2 cơ sở sản xuất cà phê bột kém chất lượng. Trong số này, cơ sở của ông Nguyễn Đình Quang cũng có tên, đã bị xử phạt hơn 37 triệu đồng.

Còn theo đề tài khoa học “Khảo sát chất lượng cà phê bột sản xuất và lưu thông trên địa bàn tỉnh” do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk nghiên cứu và công bố, cho thấy tại 27 mẫu cà phê bột và cà phê hòa tan ở 30 cơ sở sản xuất thì ngoài cà phê còn có 73,3% cơ sở dùng thêm đậu nành, 46,7% cơ sở dùng thêm bắp, 6,7% dùng thêm đậu đỏ. Kết quả khảo sát cũng nêu rõ 4/27 mẫu cà phê (chiếm 14,8%) không đạt chất lượng (chủ yếu là hàm lượng cafeine).

Giữ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Theo tìm hiểu, việc sản xuất cà phê bột theo công thức “ít cà phê, nhiều bắp và đậu nành” mang lại lợi nhuận cao, vì giá nguyên liệu bắp và đậu nành rẻ gấp 3 - 4 lần so với cà phê. Chính vì vậy, nhiều cơ sở đã chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe người dùng. Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk, cảnh báo: “Ngũ cốc rang cháy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, còn mức độ ảnh hưởng thì tùy thuộc vào từng loại và nhiệt độ rang”.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng những cơ sở rang xay cà phê bột kém chất lượng là những con sâu làm rầu nồi canh, làm ảnh hưởng uy tín của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Để siết chặt quản lý, hiệp hội có kế hoạch thành lập hội những nhà rang xay, đề ra quy chế nội bộ sử dụng logo cà phê Buôn Ma Thuột các bao bì sản phẩm cà phê bột. Quy chế này được ban hành dựa trên sự thỏa thuận, đồng ý của các nhà rang xay tham gia.

“Những ai làm đúng quy trình, tiêu chuẩn sẽ được phép in logo cà phê Buôn Ma Thuột trên bao bì. Người nào không đạt tiêu chuẩn thì không được gia nhập. Nếu hiệp hội phát hiện cơ sở nào không đủ điều kiện nhưng vẫn gắn logo cà phê Buôn Ma Thuột lên bao bì thì chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt”, ông Minh nói.

Ông Trần Quốc Toàn, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đắk Lắk, cho biết: “Sắp tới, ngoài việc kiểm tra định kỳ, nếu nhận được phản ánh về các cơ sở sản xuất cà phê bột không đảm bảo chất lượng, chúng tôi sẽ kiểm tra đột xuất. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý thật nghiêm, đồng thời công bố danh tính cơ sở vi phạm lên các phương tiện truyền thông” 

VÕ PHÚC

>> Chế biến cà phê bột với công thức 1 cà phê + 9 bắp, đậu nành, phụ gia

Tin cùng chuyên mục