Cà phê khuyến nông

Đến xã nông thôn mới Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), chúng tôi vào một quán cà phê rất đặc biệt: “Cà phê khuyến nông”. Gọi là đặc biệt vì khách đến quán không chỉ uống cà phê mà chủ yếu để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Cà phê khuyến nông

Đến xã nông thôn mới Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), chúng tôi vào một quán cà phê rất đặc biệt: “Cà phê khuyến nông”. Gọi là đặc biệt vì khách đến quán không chỉ uống cà phê mà chủ yếu để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Uống cà phê lúc gà gáy

Mới tờ mờ sáng, trong quán đã rôm rả chuyện heo, gà, rau quả; chuyện giá cả, năng suất; chuyện sau bệnh và cách phòng ngừa... Ngoài chuyện khuyến nông, quán cũng là nơi cập nhật tình hình làng trên xóm dưới, thông tin thời sự trong xã.

Các nông dân đang cập nhật kiến thức về mô hình chuyển đổi cây - con hiệu quả tại quán "Cà phê khuyến nông" của ông Tám (ấp 1, xã Tân Nhựt).
Các nông dân đang cập nhật kiến thức về mô hình chuyển đổi cây - con hiệu quả tại quán "Cà phê khuyến nông" của ông Tám (ấp 1, xã Tân Nhựt).

Mới sáng sớm, lão nông Nguyễn Văn Hiếu, ngụ ấp 1 đã lò dò cùng với mấy ông bạn già đến quán nhâm nhi cà phê vừa bàn tán xôm tụ về cách chọn giống nào cho năng suất, cách phòng trừ sâu bệnh, xịt thuốc nào hiệu quả...

Ông Hiếu cho biết, nhà ông có đến 2 mẫu đất ruộng trồng lúa. “Hàng ngày đến quán “cà phê khuyến nông” không chỉ để nhâm nhi cà phê, thư giãn mà hơn hết đến đây để học hỏi kinh nghiệm từ các nông dân khác từ việc gieo sạ bằng cách thuê máy hay thuê nhân công hiệu quả hơn, hay mua thuốc bảo vệ thực vật ở đâu vừa rẻ mà tốt. Thậm chí, có lúc tranh luận “nảy lửa” về một vấn đề nào đó hay về mô hình của nhau để đưa ra mô hình tối ưu nhất” - ông Hiếu cho hay.

Còn chú Phan Phước Thêm ngụ ở ấp 2 cho biết, gia đình có 2ha đất trồng lúa và hoa màu. “Nhà gần nên cứ gà gáy sáng là tui dậy đi bộ sang quán cà phê khuyến nông. Vừa tập thể dục, vừa nhâm nhi cà phê, vừa trao đổi kinh nghiệm và cập nhật thông tin về các giống lúa mới cho năng suất cũng như cách bảo quản rau, màu trong mùa thu hoạch. Cũng nhờ các kiến thức cập nhật được mà vụ lúa năm nay tui thắng lớn, trên 6 tấn/ha và bán được giá nữa” - chú Thêm phấn khởi khoe.

Cập nhật kiến thức, kinh nghiệm

Chủ quán cà phê này là ông Nguyễn Văn Mách (ông Tám - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nhựt). Từ ngày nghỉ hưu ông muốn mang hết kiến thức và kinh nghiệm của ông có được truyền đạt cho bà con. “Cứ 4 giờ sáng là tui dậy nấu nước sôi, pha cà phê, chuẩn bị các loại sách báo để phục vụ các “thượng đế”.

Nông dân đi uống cà phê cũng rất đặc biệt. Từ 4 giờ 30, quán đã đón những vị khách đầu tiên. Cao điểm từ 5 - 6 giờ sáng hàng ngày là thời gian quán nhộn nhịp nhất. Nông dân đến uống cà phê, vừa giải trí, trao đổi kinh nghiệm sản xuất vừa đọc các loại sách báo khoa học - kỹ thuật nông nghiệp. Xem phim về các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả để ứng dụng trong sản xuất. Nhiều người đến quán không nhất thiết phải uống cà phê, mà chủ yếu nghe chuyện thời sự, chuyện cây lúa, củ khoai, chuyện nhà nông với công ăn việc làm… Sau đó ai về nhà nấy để ra đồng” - ông Tám bộc bạch.

Quán cà phê được Trung tâm khuyến nông hỗ trợ, trang bị hệ thống máy vi tính nối mạng internet, máy in, cặp loa cùng với tủ sách về nông nghiệp với trên 200 đầu sách khoa học - kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn nông dân trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, tại quán lúc nào cũng có Báo SGGP và báo chuyên đề nông nghiệp để thông tin cho nông dân về những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là các chủ trương về xây dựng nông thôn mới.

“Phải nói mô hình “cà phê khuyến nông” đã từng bước giúp cho bà con nông dân nhanh chóng cập nhật được những thông tin mới cùng các kiến thức và kinh nghiệm để tăng năng suất sản xuất, hiệu quả nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi mà xã nông thôn mới đang hướng đến” - anh Trần Duy Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nhựt cho biết.

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục