Cà phê… Kim Biên

Tại hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2013 - 2014 cuối tuần qua ở TPHCM, việc Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao (Vicofa) Lương Văn Tự cho biết sẽ làm việc với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để tiến tới đặt ra tiêu chuẩn cà phê bột và cà phê hòa tan, đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tham dự.

Những nước không trồng mà nhập khẩu nhiều cà phê như các nước EU, Mỹ, người tiêu dùng lại thưởng thức cà phê đúng cách như vị không quá đậm đà, nước cà phê màu cánh gián, mùi thơm, do sử dụng thuần 100% hạt cà phê, lượng cafein chỉ có 1%. Trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta nhiều nhất, lại có “gu” thưởng thức cà phê vị càng đậm, màu nước càng đậm càng tốt do hạt cà phê bị rang ở nhiệt độ cao nên bị cháy đen, lại trộn với bắp, đậu nành cũng bị rang đen. Ngành y tế cảnh báo, sử dụng nhiều thức uống loại này có thể dẫn đến nguy cơ bị ung thư.

Nếu nói do sở thích người tiêu dùng thì chưa chính xác, vì đây là hậu quả kéo dài của thời kỳ khó khăn, cà phê còn khan hiếm, nhà rang xay pha thêm bắp, đậu nành vào cà phê để giảm giá bán. Điều này định hình phần lớn gu uống cà phê người Việt. Sau đó, do chạy theo lợi nhuận nên tỷ lệ pha trộn từ từ tăng dần lên, hạt cà phê chỉ để lấy mùi. Với công nghệ tạo mùi công nghiệp ngày càng đa dạng, không ít người đã sử dụng cả chất tạo mùi, phẩm màu nhuộm để tạo cho nước cà phê có màu đen đậm.

Thời gian qua, người tiêu dùng, nhất là giới trẻ lại có xu hướng thích ly cà phê có nhiều bọt, qua đó không ít nơi bán cà phê đã được cung cấp chất tạo bọt để cà phê nhiều bọt và lâu tan hơn. Không loại trừ đây là chất tẩy rửa, tạo bọt dùng trong ngành công nghiệp xà phòng... Nếu sử dụng thường xuyên sẽ bị ảnh hưởng đến hệ tim mạch.

Một vị đại biểu tại hội nghị cho biết, nhiều khu vực ở TPHCM, người tiêu dùng hàng ngày đã uống cà phê… Kim Biên (chợ đầu mối hóa chất nổi tiếng của TP), rất nguy hại đến sức khỏe mà không biết. Nhưng cà phê bắp, đậu nành, cà phê Kim Biên không chỉ có ở TPHCM, hay Hà Nội mà xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành, kể cả những địa phương trồng cà phê ở vùng Tây Nguyên. Một cuộc khảo sát cho thấy, tỷ lệ cà phê nguyên chất ở những điểm bán tại địa phương này chiếm tỷ lệ rất thấp. Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Vicofa, thời gian qua xuất hiện thương hiệu cà phê rang xay uy tín như Trung Nguyên, Phương Vy… nhưng bên cạnh đó còn có rất nhiều cơ sở rang xay cà phê không thương hiệu mà nhà nước không quản lý, không kiểm soát được nguồn gốc, thành phần và chất lượng các sản phẩm này.

Đây thật sự là điều lo ngại. Vì vậy, việc đưa ra quy chuẩn cà phê bột, cà phê hòa tan nhằm bảo vệ người tiêu dùng là điều phải làm. Ông Lương Văn Tự cho biết, bên cạnh việc phối hợp với Cục An toàn thực phẩm xây dựng tiêu chuẩn, việc hướng dẫn, giúp thay đổi dần thói quen uống cà phê đậm, đen một cách lệch lạc để người tiêu dùng biết được hương vị và màu sắc thật sự cà phê thuần 100% cũng là vấn đề Vicofa đặt ra trong thời gian tới.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục