Cà phê Tây Nguyên sẽ thiếu nước tưới trầm trọng

Sáng 12-3, tại TP Buôn Ma Thuột, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo “Ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế”.

(SGGPO).- Sáng 12-3, tại TP Buôn Ma Thuột, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp với Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo “Ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế”.

TS. Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết: Hiện nguồn nước mặt trên các con sông lớn ở Tây Nguyên như Sê San, Srêpốk, Sông Ba và Đồng Nai đã cạn kiệt lưu lượng dòng chảy từ 173.863 lit/s (2004 - 2005) xuống còn khoảng 125.000 lit/s. Trong khi đó, nguồn nước ngầm tại các tỉnh Tây Nguyên đã suy giảm nghiêm trọng (giảm xuống từ 3-5m so với cách đây 10 năm) và lượng mưa chỉ đạt từ 65-75% so với trung bình nhiều năm. Những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã làm cho thời tiết nơi đây diễn biến ngày càng phức tạp, làm giảm năng suất và chất lượng cà phê Tây Nguyên.

Theo TS. Trương Hồng, vào năm 1998, hiện tượng khô hạn xảy ra nghiêm trọng ở Tây Nguyên đã làm năng suất cà phê giảm 20-30% và chất lượng giảm khoảng 40-50% so với niên vụ trước đó. Đến năm 2010, nắng nóng kéo dài ở Tây Nguyên cũng đã làm năng suất cà phê giảm khoảng 15 - 20% so với các năm trước. Đến năm 2016, tình trạng khô hạn khốc liệt diễn ra trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng của 100.000ha cà phê Tây Nguyên, trong đó có nhiều diện tích cà phê bị chết không thể khôi phục được. “BĐKH trước mắt đã gây ra nhiều tác động có hại đối với sản xuất cà phê ở Tây Nguyên. Nguyên nhân gây ra BĐKH ở nơi đây rất phức tạp, trong đó có việc chặt phá và chuyển đổi rừng ồ ạt để trồng cao su, làm thủy điện, xây dựng công trình giao thông…”, TS. Trương Hồng cho biết thêm.

Hiện tượng khô hạn đã làm năng suất cà phê giảm

Theo TS. Dave A.D’haeze, Công ty tư vấn cà phê E.D.E Consulting - Đức, vùng Tây Nguyên ấm lên nhanh hơn so với mức trung bình của các khu vực khác trên trái đất. Nhiệt độ Tây Nguyên đã tăng từ 0,3 - 0,5°C trong thời gian từ 1979 - 2012. Còn theo kịch bản BĐKH của Bộ TN-MT vào năm 2009, nhiệt độ Tây Nguyên sẽ tăng lên khoảng 1,01°C vào năm 2050 và 2,39°C vào năm 2100. Như vậy, cà phê Tây Nguyên sẽ thiếu nước tưới trầm trọng trong thời gian tới.

Theo TS. Trương Hồng, để giảm thiểu tác hại của BĐKH đối với cà phê Tây Nguyên, các tỉnh trong khu vực phải có những giải pháp đồng bộ mang tính đa ngành, đa lĩnh vực. Chúng ta phải quy hoạch lại vùng sản xuất cà phê, nơi nào không hiệu quả thì chuyển đổi trồng cây khác và tập trung đầu tư cho những khu vực chủ động được nguồn nước tưới. Đầu tư, cung cấp giống chất lượng để tái canh những khu vực cà phê hiệu quả. Bảo vệ, siết chặt công tác quản lý rừng và đầu tư trồng rừng đầu nguồn để giữ nguồn nước. Còn TS.  Dave A.D’haeze cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên phải cải thiện chương trình đào tạo, đưa vào chương trình các vấn đề liên quan đến BĐKH và những ảnh hưởng của việc thay đổi sử dụng đất (như phá rừng). Đối với Chính phủ, cần xây dựng một kế hoạch mang tính chiến lược bao gồm các hoạt động nghiên cứu, công tác theo dõi đều đặn hơn, thực hiện các biện pháp thích ứng rộng rãi và tập huấn toàn diện.

Cà phê Tây Nguyên hiện có diện tích khoảng 600 ngàn hécta (chiếm khoảng 90% diện tích cả nước) và sản lượng đạt 1,3 triệu tấn (chiếm khoảng 94% sản lượng cả nước).  Trong những năm qua, cà phê Tây Nguyên đã đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước, góp phần đưa Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta trên thế giới với kim ngạch đạt khoảng 3,3 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu cà phê ở Tây Nguyên cũng đóng góp vào khoảng 30% GDP của toàn vùng. Như vậy, việc BĐKH ở Tây Nguyên sẽ ảnh lớn đến giá trị xuất khẩu nơi đây, từ đó ảnh hưởng lớn GDP toàn vùng và thu nhập của những dân trồng cà phê.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục