Giá cà phê giảm mạnh, trong khi chi phí đầu tư, công lao động tăng, cộng với nạn trộm cắp luôn rình rập... khiến người trồng cà phê ở khu vực Tây Nguyên đầy lo lắng khi bắt đầu bước vào niên vụ thu hoạch 2011-2012.
Được mùa, mất giá
Những ngày này, các nông hộ ở khu vực Tây Nguyên đã bắt đầu thu hoạch cà phê. Mặc dù năng suất hứa hẹn được mùa, song vấn đề giá cả vẫn đang là mối quan tâm nhất của người trồng cà phê. Trong tuần đầu của tháng 11, giá cà phê nhân ở các tỉnh Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng giảm mạnh, hiện xuống còn dưới 40.000 đồng/kg, so với mức hơn 51.000 đồng/kg hồi tháng 5-2011 (mức giá “vàng” từ trước tới nay).
Nguyên nhân giá cà phê giảm mạnh được một số chuyên gia nhận định là do các trang trại cà phê đang bước vào vụ thu hoạch đại trà, sản lượng cà phê nhân tăng mạnh. Sự dồi dào về nguồn cung là nguyên nhân chính khiến giá cà phê giảm.
Vụ thu hoạch cà phê 2011-2012 tuy chưa rộ nhưng giá cà phê xuống khiến nhiều nông dân “sốt ruột”. Đến thời điểm này, việc mua bán cà phê nội địa vẫn chưa nhộn nhịp, trong khi các nhà xuất khẩu lớn còn đang dè dặt do thị trường kỳ hạn cà phê dao động khó lường và quá nhiều rủi ro nên không khuyến khích các doanh nghiệp thu mua sớm.
Ông Nguyễn Văn Bảy, người trồng cà phê ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) than thở: “Giá cà phê xuống, nông dân chúng tôi buồn lắm! Mong sao cho chương trình tạm trữ cà phê được thực hiện”.
Cùng tâm trạng như ông Bảy, hầu hết người trồng cà phê trong vùng đều lo ngại, nếu giá tiếp tục giảm như hiện nay thì đến thời điểm chính vụ không biết giá cà phê sẽ còn “trôi” về đâu. Nhiều đại lý thu mua cà phê ở Tây Nguyên cho biết, khi giá còn cao, nông dân thu hoạch sớm vẫn thường mang đến bán cho các đại lý để lấy tiền trang trải trong gia đình và thuê nhân công lao động. Song mấy ngày gần đây, giá cà phê giảm mạnh, nông dân không bán cà phê tươi nữa mà chở về phơi khô, bấm bụng “găm” hàng chờ giá cao trở lại. Tuy nhiên, khi để cà phê ở nhà cũng gặp khó khăn nhất định về kho chứa hay ẩm mốc sẽ mất giá, đặc biệt là khơi gợi lòng tham của bọn “đạo chích”, nên họ thường đem đến các đại lý thu mua cà phê quen biết để ký gửi.
Trộm cắp hoành hành
Trong niên vụ thu hoạch này, ngoài nỗi lo rớt giá, người trồng cà phê đang đối mặt với nạn trộm cắp cà phê lên đến đỉnh điểm. Dù cà phê mới bắt đầu chín rải rác nhưng một số vùng chuyên canh cà phê tại Tây Nguyên như các huyện Krông Năng, Buôn Đôn, Cư M’gar (tỉnh Đắc Lắc), Đăk Min (tỉnh Đắc Nông), Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Pah (tỉnh Gia Lai), Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã bị kẻ xấu đột nhập hái trộm. Ngoài việc tuốt cành, hái quả, bọn trộm còn dùng dao, kéo cắt cành, thậm chí còn dùng cưa cắt ngang thân cây đưa đi nơi khác để tuốt quả. Điều này không chỉ làm mất sản lượng cà phê trong vụ này mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những vụ sau, nhất là đối với vườn cà phê từ 5 đến 7 năm tuổi.
Bà Lê Thị Chinh ở thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai), cho biết, gia đình bà có gần 1ha cà phê. Trái trên cây tuy mới chín lẻ tẻ nhưng kẻ xấu đã hái trộm và chặt cành gần cả trăm cây rồi.
Dù thừa biết chuyện thu hái cà phê còn xanh không chỉ làm giảm chất lượng sản phẩm, giá bán thấp mà còn làm năng suất vườn cây năm sau kém nhưng ông Trần Công Hảo ở huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) vẫn phải chấp nhận thu hoạch sớm.
Ông kể: “Chỉ mới bắt đầu vào vụ thu hoạch thôi mà nạn trộm cà phê đã xuất hiện với mức độ ngày càng liều lĩnh. Vì thế, chúng tôi chọn cách hái quả xanh. Tuy hơi thiệt hại nhưng an toàn”. Người dân các xã Đăk Uy, Hà Mòn, thị trấn Đăk Hà... (huyện Đăk Hà) cũng đều làm như gia đình ông Hảo, tức thu hoạch quả xanh để... phòng trộm. Đây là việc làm gây thiệt đơn, hại kép. Hái cà phê xanh không chỉ làm giảm năng suất mùa vụ, giảm hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đức Trung