Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, ca sĩ Ánh Tuyết được xem là giọng ca chuyên hát dòng nhạc tiền chiến, trữ tình. Thế nhưng, ít người biết rằng, cô ca sĩ với chất giọng cao chót vót và ấn tượng đó còn là một doanh nhân, chị đã và đang điều hành cùng một lúc hai công việc: Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chống thấm ATC và bà chủ của Phòng trà ATB.
Ca sĩ thành “kỹ sư”
Năm 1995, sau khi kết hôn với ông xã của chị bây giờ, hai vợ chồng chị còn ở nhà thuê và không có gì, vốn liếng lúc đó chỉ 200 triệu đồng. Thế rồi một công ty nước ngoài cần đối tác để thực hiện các dự án về chống thấm trong xây dựng, thế là chị và chồng thành lập Công ty Chống thấm ATC. “Lúc đầu lo lắm, không biết mình làm được hay không”, chị tâm sự.
Với tính cách ham tìm hiểu, học hỏi và đặc biệt có máu sáng tạo và nhạy bén của người nghệ sĩ, ca sĩ Ánh Tuyết đã tự nghiên cứu cách làm thế nào để điều hành công ty. Dần dà chị lấn sâu vào nghề thông qua những chia sẻ của các nhân viên và bây giờ khó ai tin rằng, chị đã nắm rõ cách vận hành công ty cũng như hiểu các khâu hoạt động từ chuyên môn về chống thấm đến việc quản lý sổ sách, chứng từ kế toán. “Bây giờ nhiều lúc bàn hợp đồng với các khách hàng, nhiều người còn tưởng Ánh Tuyết là kỹ sư chống thấm chuyên nghiệp”, chị thổ lộ.
Mặc dù hiện nay ATC có khá nhiều khách hàng lớn trong nước và ngoài nước nhưng không vì vậy chị và chồng muốn mở thêm nhiều chi nhánh. Chị nêu kinh nghiệm của mình: “Đừng bao giờ làm quá sức mình, đối với công việc kinh doanh cũng như trong cuộc sống, lúc nào phải làm trong tầm tay với của mình thì kết quả sẽ như mình mong đợi…”.
Lãng mạn phát huy sáng tạo
ATC ra đời được sáu năm thì chị lại thành lập Phòng trà ATB (ATB là một phần của ATC). Lúc ban đầu ATB hoạt động bên trong Cung văn hóa Lao động với quy mô nhỏ. “Phòng trà ATB là đam mê, còn ATC là công việc kinh doanh”, chị kết luận.
Năm 2003 là năm thăng trầm, cũng là năm bản lề để ATB được giới mộ điệu cả nước biết đến. Chị kể, lúc đó ở Sài Gòn, ATB nổi đình nổi đám với chương trình “Suối mơ đến Thiên thai”. Tuy nhiên, nếu chỉ ở Sài Gòn thôi thì ATB sẽ chẳng thể nào phát triển thương hiệu hơn được nữa, thế là chị quyết tâm phát triển ATB, đứa con tinh thần và là “cõi đi về” của chị. Từ phòng trà nhỏ trong Cung văn hóa Lao động, chị đưa ATB ra quận trung tâm. Áp lực kinh tế và sự cạnh tranh trong làng giải trí đòi hỏi ATB phải nhanh chóng thực hiện dự án phát triển thương hiệu.
Ánh Tuyết và ATB không chỉ gắn liền với tên tuổi của dòng nhạc trữ tình, từ những ca khúc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong hay sau này là dòng nhạc Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9, Văn Phụng, Phạm Thế Mỹ mà ATB ngày nay còn chinh phục cả những ca khúc trữ tình của các nhạc sĩ đương đại trong nước.
Khi được hỏi liệu giữa ca sĩ và doanh nhân có sự tương tác nào hay không và điều đó có phải là yếu tố giúp người ca sĩ thành công trong vai trò của một doanh nhân, ca sĩ Ánh Tuyết cho biết: “Chắc chắn có sự thuận lợi nhất định khi người ca sĩ muốn làm kinh doanh. Lý do là vì ca sĩ nói riêng hoặc nghệ sĩ nói chung đều là những con người lãng mạn, phiêu bồng. Chính yếu tố đó giúp họ trong công việc có thể phát huy được sự sáng tạo và linh hoạt trong việc giải quyết xung đột giữa chủ và nhân viên cũng như tháo gỡ những khó khăn trong việc phát triển kinh doanh”.
KHUÊ CÁT