
Sau khi nuôi cá tra thử nghiệm thành công ở vùng nước lợ huyện Bình Đại (Bến Tre), những ngày đầu năm 2008, Công ty FAQUIMEX bước vào thu hoạch vụ nuôi cá tra đầu tiên ở vùng nước lợ thuộc huyện Thạnh Phú. Trong ánh mắt lạc quan của nhiều người, “đường bơi” cho cá tra xuất khẩu đang rộng mở mênh mông.
Làm thử… trúng thiệt!

Trại nuôi tôm công nghiệp K22 thu hoạch vụ nuôi cá tra đầu tiên
Sau gần 4 tháng rưỡi thả nuôi, Trại nuôi tôm công nghiệp K22 tại xã An Nhơn đang thu hoạch vụ nuôi cá tra đầu tiên ở vùng lợ thuộc huyện Thạnh Phú. Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre Trần Thị Thu Nga cho biết: “Bến Tre nuôi cá tra mới từ năm 2006. Bắt đầu là nuôi cá tra thử nghiệm tại vùng nước lợ thuộc xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại.
Chẳng là, nuôi tôm sú tại đây không khá nên vào năm 2006, các cổ đông hợp tác nuôi thủy sản của Văn phòng Sở Thủy sản Bến Tre chuyển sang nuôi cá tra. Mọi người rất lo, trong môi trường nước có độ mặn từ 4 - 8‰, không biết con cá tra có phát triển được hay không? Kết quả thật đáng mừng ï, cá phát triển cũng tương đương như nuôi ở vùng nước ngọt”. Mừng hơn nữa, giá cá tra bán ra bất ngờ lên đến 17.500đ/kg, trong khi vào thời điểm đó, giá chỉ cần ở mức 13.000đ/kg là người nuôi đã… vô đậm!
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lâm thủy sản xuất khẩu Bến Tre (FAQUIMEX) tỏ ra lạc quan: “Kế đến, công ty chúng tôi thả nuôi cá tra thử nghiệm tại vùng nước lợ thuộc ấp 5, xã Bình Thắng (huyện Bình Đại). Diện tích thả nuôi cá tra ở đây là 13ha mặt nước. Sau 4 tháng nuôi, công ty đã thu hoạch và cũng đạt kết quả khả quan như tại xã Đại Hòa Lộc. Vụ nuôi năm 2008, công ty sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi 40ha mặt nước”.
Mở rộng “đường bơi” cho cá tra
Nằm bên bờ sông Cổ Chiên, nơi dòng chảy sắp đổ ra cửa biển Thạnh Phong, Trại nuôi tôm công nghiệp K22 xã An Nhơn (trực thuộc FAQUIMEX) chiếm vị trí rộng lớn với 261ha. Trong trại nuôi tôm này, đường nội bộ, đường điện dẫn đến khắp các ao nuôi, cơ xưởng, lán trại, khu sơ chế…; khi thu hoạch tôm, cá, những chiếc xe cải tiến chở sản phẩm thủy sản lướt ào ào trên những con đường vòng quanh trong trại trông thật tất bật, khẩn trương. Tất cả đã nhuốm lên hình ảnh công nghiệp hóa ở một vùng đất ven biển xa xôi của Bến Tre. Một kỹ sư nuôi thủy sản của trại nói với tôi: “Tối đến, khi ánh đèn tỏa khắp trên các ao nuôi, đêm ở đây sống động vô cùng…”.
Tôi cùng Phó Tổng Giám đốc FAQUIMEX Nguyễn Hoài Ân đi xem thu hoạch cá tra. Anh Ân cho biết, trong tổng số diện tích mặt nước nuôi tôm công nghiệp của trại, có khu những năm gần đây nuôi tôm không đạt, nên công ty cải tạo ao hồ chuyển sang nuôi thử nghiệm cá tra. Nhưng nuôi cá tra công nghiệp rất dễ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nước xung quanh.
Về mối lo này, anh Ân cho biết cơ sở hạ tầng của Trại nuôi tôm công nghiệp K22 tương đối hoàn chỉnh, với hệ thống lắng lọc tự nhiên qua mương thoát, kinh thoát. Vả lại, nơi đây gần biển nên nước thải sau khi xử lý, nước thoát ra ít gây ô nhiễm hơn rất nhiều so với nuôi cá tra trên sông rạch thuộc vùng nước ngọt. Đặc biệt, nuôi ở môi trường nước có độ mặn 4 – 8‰, cá tra rất ít bị nhiễm bệnh… Anh Ân lộ rõ niềm vui: “Với kết quả này, trại sẽ mở rộng nuôi thêm 46ha cá tra trong vụ nuôi năm 2008”. Tôi hỏi: “Các anh có chủ động được nguồn con giống?”. “Vụ nuôi đầu tiên chúng tôi… xài giống nhập nội, mà giống đi mua của người ta thì khó lòng biết trước nó sẽ phát triển ra sao.
Trong khi đó, Công ty FAQUIMEX sản xuất theo một quy trình khép kín từ đầu tư cho vùng nguyên liệu đến nhà máy đông lạnh xuất khẩu thủy sản (30.000 tấn cá/năm). Để chủ động nguồn giống, ngay năm 2008 chúng tôi sẽ ươm con giống cá tra tại cồn Bần (xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày) – nơi công ty có 28ha nuôi cá ở vùng nước ngọt”.
Thấy Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Nguyễn Văn Bích (Bảy Bích) đang mải mê xem thu hoạch cá tra, tôi bắt chuyện: “Anh Bảy thấy sao, huyện Thạnh Phú hiện có trên 5.000ha mặt nước thuộc vùng nước lợ. Vậy thì, nuôi cá tra – tại sao không?”. Anh Bảy Bích vừa mừng vừa lo: “Nhưng phải nuôi với hình thức hợp tác thì mới đủ sức để làm. Ví như một mô hình nuôi phải đầu tư có hệ thống xử lý nước thải lắng lọc tự nhiên, mương thoát, kinh thoát chẳng hạn. Còn như làm theo kiểu nông hộ nhỏ lẻ, thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhưng phát triển tràn lan, sớm muộn gì nguồn nước trên sông rạch cũng bị ô nhiễm”. |
Phan Lữ Hoàng Hà