Ngày 13-10, tại Viện Âm nhạc Hà Nội đã diễn ra hội nghị đánh giá kết quả kiểm kê di sản văn hóa ca trù 2009-2011 với sự tham gia của 13/15 địa phương có di sản văn hóa ca trù và nhiều chuyên gia âm nhạc. Bên cạnh việc tái khẳng định giá trị của ca trù, đây cũng là dịp cùng nhau nhìn lại thực trạng và sức sống của loại hình nghệ thuật truyền thống đặc biệt này trong cuộc sống hôm nay.
Theo thống kê của Viện Âm nhạc, trong dịp kiểm kê phục vụ xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận ca trù cách đây 3 năm, số người tham gia hát ca trù trong cả nước chỉ có trên 150 người (biết cả đàn, hát). Đến tháng 10-2011, con số đó đã lên tới 500. Nhìn trên con số thì đây là một sự tăng trưởng vượt bậc về lượng nhưng lại không đồng hành với chất lượng.
Theo ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội (địa phương được đánh giá là có nhiều CLB, nhóm ca trù), chất lượng của các nhóm, các ca nương, kép đàn vẫn chưa tốt.
Theo ông Chiêm, một số nhóm được thành lập do phong trào, mang nặng tính kinh doanh nên chưa đóng góp được nhiều trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản ca trù. Nếu trước đây, việc tuyển chọn người truyền nghề được đặc biệt coi trọng, khắt khe thì nay, do ảnh hưởng bởi tâm lý “đi tắt đón đầu” mà lượng đào nương, kép đàn xuất hiện ồ ạt. Thầy giỏi và thực tâm với nghề không còn nhiều. Trò thì không đủ kiên nhẫn học theo bài bản theo cách dạy truyền thống. Vì thế, cũng không quá ngạc nhiên khi có người tự xưng là đào nương, ca nương, kép đàn cũng chỉ biết một hai bài hoặc một hai thể cách.
Ngay tại Hà Tĩnh, địa phương được đánh giá là làm tốt công tác khôi phục và phát triển di sản ca trù nhất hiện nay cũng lúng túng chưa tìm được cách tháo gỡ.
Theo bà Phan Thư Hiền, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh, cả hai CLB hoạt động mạnh trên địa bàn là CLB ca trù Cổ Đạm và CLB ca trù Nguyễn Công Trứ dù có nhiều nghệ nhân tận tụy, say mê truyền dạy cả ngón đàn, hát, múa song nguy cơ mai một vẫn luôn tồn tại. “Việc động viên hỗ trợ trong việc truyền dạy vẫn còn ít và mang tính thời vụ nên chưa khuyến khích được các nghệ nhân cũng như lớp trẻ tham gia”, bà Thư Hiền tâm sự.
So với Hà Nội, ca trù đến với TPHCM muộn hơn nhưng đây cũng là một miền đất lành của môn nghệ thuật này khi tình yêu và sự đam mê ca trù được nuôi dưỡng bởi những người thực sự tâm huyết như nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, GS Trần Văn Khê, TS Thanh Nhã, nhạc sĩ Tô Vũ…
Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của TPHCM, tại thời điểm này, trên địa bàn chỉ có 2 CLB ca trù hoạt động với 14 đào nương, phần lớn đều ở tuổi trên dưới 60; 8 kép đàn và 5 trống chầu (trong đó 3 người đóng được cả hai vai kép đàn và trống chầu).
Như vậy, tỷ lệ nghệ nhân ca trù ở TP trên 8 triệu nhân khẩu này là 1/333.000 dân. Phần đông đào, kép đều phải bươn chải kiếm sống và nuôi dưỡng nghệ thuật ca trù. Giới trẻ cũng chưa lưu tâm và chưa tìm được sự hứng thú với ca trù. Thậm chí, khi các nghệ nhân nhiệt tình truyền dạy cũng không “đào” đâu ra học viên.
“Nguy cơ khoảng một, hai thập niên nữa, nếu không có bước đột phá trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù, không có chính sách đầu tư, chăm lo hiệu quả cho các nghệ nhân, có khả năng, TPHCM sẽ là địa phương không có di sản ca trù” - ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM, dự đoán.
Tại hội nghị, một dự án nghiên cứu, truyền dạy, phát huy và kiểm kê ca trù năm 2012 cũng được Viện Âm nhạc đưa ra xin ý kiến của các chuyên gia và địa phương. Dự án đặt ra khá nhiều mục tiêu, song người tâm huyết với ca trù chỉ mong rằng nó sẽ nhanh chóng thoát ra khỏi khuôn khổ của những trang giấy để biến thành nhiều hành động thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy vốn quý của di sản ca trù.
VĨNH XUÂN
Sau nhiều tháng chuẩn bị, Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 khai mạc từ hôm qua 13-10 và diễn ra đến 16-10 do Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của 23 đơn vị, đội nhóm, câu lạc bộ ca trù tại 15 tỉnh, thành. Đây là môi trường thuận lợi tạo ra sức sống mới cho ca trù trong xã hội hiện đại, khích lệ việc bảo vệ ca trù trước nguy cơ thất truyền. Nét mới của liên hoan năm nay là các nhóm, câu lạc bộ ca trù tự do đều có thể tham gia hoạt động văn hóa có một không hai này. Ban tổ chức chia thành nhiều không gian trình diễn khác nhau để các đơn vị lựa chọn không gian trình diễn phù hợp cho riêng mình: Không gian hát tổ nghề (1 chương trình); không gian hát cửa đình (4 chương trình); không gian hát cửa quyền (4 chương trình); không gian hát chơi (8 chương trình); không gian hát thi (11 chương trình). Thi vị hơn, trong không gian hát chơi còn có sự hưởng ứng của nhiều nhà thơ, nhà văn yêu quý ca trù, qua đó tạo ra sự gắn kết giữa trình diễn ca trù với không gian hát thơ. N.CHƯƠNG |