Các ban Thanh tra nhân dân có vai trò như thế nào trong việc giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Hỏi:

Hỏi: Các ban Thanh tra nhân dân có vai trò như thế nào trong việc giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo? Lê Thanh Kiệm (quận Gò Vấp, TPHCM)

Ông Trần Đình Trữ, Trưởng phòng Pháp chế tổng hợp, Thanh tra TPHCM, trả lời: Thanh tra nhân dân (TTND) là hình thức nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức Nhà nước. Ban TTND là tổ chức do nhân dân trực tiếp bầu ra để thực hiện quyền giám sát của nhân dân tại địa phương, cơ sở.

Tại Điều 93, Luật Khiếu nại, tố cáo (KNTC) quy định: Tổ chức TTND trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiếp nhận thông tin, phản ánh của nhân dân về việc KNTC và giải quyết KNTC ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị cơ sở; kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật về KNTC. Trong quá trình hoạt động của mình, tổ chức TTND có quyền kiến nghị Chủ tịch UBND cấp xã, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cơ sở giải quyết kịp thời, đúng pháp luật về KNTC và giám sát việc giải quyết đó (khoản 1 Điều 93). Chủ tịch UBND cấp xã, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cơ sở có trách nhiệm thông báo cho tổ chức TTND biết, việc giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và xem xét, giải quyết kiến nghị của tổ chức TTND (khoản 2 Điều 93 Luật KNTC).

Điều 59 Luật Thanh tra năm 2004 cũng nêu rõ nhiệm vụ quyền hạn của Ban TTND là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết KNTC, thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết KNTC, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

H.H. ghi

Tin cùng chuyên mục