
Những ngày qua, sau khi xăng dầu tăng giá, nhiều doanh nghiệp vận tải khách hoạt động tại Bến xe miền Đông (BXMĐ) và Bến xe miền Tây (BXMT) đã tăng giá vé. Để hạn chế giá tăng bất hợp lý, công tác kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá vé bán của các đơn vị vận tải được các bến thực hiện sát sao hơn.

Bắt đầu từ hôm nay (1-8), Công ty CP Vận tải ô tô Nam Định sẽ chính thức tăng giá vé lên 14%. Cụ thể, giá vé tuyến TPHCM - Nam Định sẽ tăng từ 350.000 đồng lên 400.000 đồng/vé. Như vậy, tính đến thời điểm này, tại BXMĐ đã có 12 đơn vị vận tải tăng giá vé. Riêng BXMT, kể từ hôm nay 1-8, nhiều đơn vị vận tải tại bến sẽ đồng loạt tăng giá vé từ 4% – 12% trên tất cả các tuyến. Công ty Mai Linh tăng tất cả các tuyến đi về miền Tây như: Bạc Liêu giá tăng từ 115.000 đồng/vé lên 125.000 đồng/vé. Các tuyến khác cũng tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/vé, tùy tuyến.
Như vậy, sau khoảng 10 ngày xăng dầu tăng giá, giá vé tại 2 bến xe trên tăng tối đa 15%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc BXMĐ, mức giá vé tăng từ 9% – 10% là phù hợp. Theo quan sát của chúng tôi, do mức tăng không cao lắm nên khi đến quầy mua vé với giá mới, khách cảm thấy "rất bình thường".
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vận tải có xe chạy tuyến đường dài, mặc dù đã có phương án điều chỉnh tăng giá vé nhưng vẫn chưa chính thức tăng mà còn nghe ngóng xem các đơn vị vận tải khác có xe chạy cùng tuyến tăng bao nhiêu mới quyết định, vì nếu tăng cao họ e ngại khách sẽ bỏ mình. Đại diện doanh nghiệp Chín Nghĩa cho biết, để chắc ăn sẽ ngồi lại hiệp thương thống nhất với 3 doanh nghiệp khác là Mai Linh, Bình Tâm, Sao Vàng chạy tuyến TPHCM – Quảng Ngãi để thống nhất giá vé đi Quảng Ngãi.
Ngoài ra, theo nhận định của các doanh nghiệp vận tải thì hiện nay, đơn giá vận chuyển tại BXMĐ (nhất là các tuyến đi về các tỉnh miền Trung, Hà Nội) lại rẻ hơn so với đơn giá vận chuyển các tuyến từ TPHCM về các tỉnh miền Tây. Cụ thể, tuyến TPHCM – An Khê (Gia Lai) khoảng cách 630 km nhưng giá là 150.000 đồng/vé (qua 8 trạm thu phí). Còn tại BXMT, tuyến TPHCM – Cà Mau, khoảng cách chỉ 340 km nhưng giá là 135.000 đồng/vé (qua 3 trạm thu phí).
Hầu hết các đơn vị vận tải thực hiện đầy đủ các thủ tục như: kê khai giá vé mới với Cục Thuế, Sở Tài chính và báo cáo với Sở GTVT, thông báo với bến trước khi tăng giá vé. Đến thời điểm này, tại BXMĐ, chỉ có 1 doanh nghiệp ủy thác cho bến tăng giá vé. Còn 11 doanh nghiệp điều chỉnh giá vé mới đều là những doanh nghiệp tự bán vé. Chỉ có doanh nghiệp Đông Hưng hôm qua (31-7) thông báo với BXMĐ tăng giá nhưng thủ tục chưa đầy đủ nên bến chưa giải quyết.
Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Thừa cho biết: Kể từ khi xăng dầu tăng giá, bến tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá vé bán của các đơn vị vận tải, đặc biệt là thời điểm ban đêm để xem doanh nghiệp niêm yết có đúng với giá đã kê khai với các cơ quan quản lý không. Đến thời điểm này, vẫn chưa có doanh nghiệp nào niêm yết giá vé bán không đúng với giá đã kê khai. Hầu hết các đơn vị vận tải có thương hiệu đều chấp hành tốt việc này vì họ sợ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Bến chỉ sợ những doanh nghiệp vận tải nhỏ (chỉ có 1, 2 xe hoạt động trong bến) tăng giá sai quy định
V.ANH - Q.HÙNG