Ngày 30-9, các quan chức Mỹ cho biết bốn công ty dầu mỏ lớn của châu Âu sẽ chấm dứt các hoạt động của họ tại Iran để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, vốn được đưa ra nhằm gây sức ép đối với Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg, quyết định nói trên của các hãng Total (Pháp), Statoil (Na Uy), ENI (Italia) và Royal Shell (Hà Lan) sẽ góp phần gia tăng sức ép trong bối cảnh các nước phương Tây đang hối thúc Têhêran ngồi vào bàn đàm phán mới. Ông cho biết Oasinhtơn đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Công ty Naftiran Intertrade, một chi nhánh tại Thụy Sĩ của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran, cơ sở được Mỹ cho là nguồn cung cấp hàng trăm triệu USD cho nước Hồi giáo này.
Cùng ngày, Iran đã triệu Đại sứ Thụy Sĩ tại Tehran đến để phản đối những biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt đối với 8 quan chức Iran, trong đó có một số bộ trưởng và Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Tehran cho rằng hành động này của Washington rõ ràng là sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Iran. Tehran không có quan hệ ngoại giao với Washington nên Đại sứ quán Thụy Sĩ đại diện cho quyền lợi của Mỹ tại Iran.
Trước đó, tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin nêu rõ Tehran cần đảm bảo sự minh bạch và hợp tác với IAEA, không chỉ nhằm hướng tới các mục tiêu củng cố cơ chế phi hạt nhân mà còn vì lợi ích của nước này. Ông tái khẳng định lập trường của Nga mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran thông qua đối thoại và ngoại giao.
TTX