Đại hội Đảng lần thứ XI

Các đại biểu tiếp tục thảo luận các văn kiện

Sáng 13-1, Đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục làm việc tại các đoàn với việc thảo luận các văn kiện tại Đại hội gồm: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; Báo cáo Chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
Các đại biểu tiếp tục thảo luận các văn kiện

(SGGPO).- Sáng 13-1, Đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục làm việc tại các đoàn với việc thảo luận các văn kiện tại Đại hội gồm: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; Báo cáo Chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Thảo luận tổ tại đoàn Khối các cơ quan Trung ương với sự tham gia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chiều 12-1. Ảnh: Minh Điền.

Thảo luận tổ tại đoàn Khối các cơ quan Trung ương với sự tham gia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chiều 12-1. Ảnh: Minh Điền.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Đại hội, đại biểu Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, trong báo cáo chính trị, phần phương hướng đề ra có thể nói khá toàn diện. Tuy nhiên, về chiến lược phát triển kinh tế biển của Trung ương cũng xác định rõ là trong tương lai thu nhập kinh tế biển chiếm 4% GDP vào năm 2020 sẽ thực hiện như thế nào. Nhất là đối với những tỉnh miền Trung có “mặt tiền” là biển như Quảng Bình. Ngoài việc đầu tư vùng trọng điểm phát triển kinh tế để tạo động lực, cần kích cầu đầu tư phát triển các tỉnh có thế mạnh về biển. Đây là những địa phương có điều kiện phát triển kinh tế biển, đặc biệt là việc phát triển các cảng biển, vì đây là lợi thế đặc thù các tỉnh miền Trung. 

Một số đại biểu nữ trong giờ giải lao của Đại hội.Ảnh: Minh Điền

Một số đại biểu nữ trong giờ giải lao của Đại hội.Ảnh: Minh Điền

Về vấn đề tập trung đầu tư cho hạ tầng, đại biểu Hồ Nghĩa Dũng – Bộ trưởng Bộ GT-VT cho rằng, có 2 vấn đề quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế.

Thứ nhất, để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại thì đầu tiên là công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch chi tiết kết cấu xây dựng hạ tầng.

Thứ hai, huy động các nguồn lực của xã hội một cách mạnh mẽ hơn nữa tham gia vào xây dựng kết cấu hạ tầng.

Lâu nay kết cấu hạ tầng thời gian đầu dựa hoàn toàn vào ngân sách. Không có quốc gia nào mà ngân sách Nhà nước có thể chịu đựng nổi đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Chúng ta phải huy động thêm các nguồn vốn tài trợ là ODA, nhưng khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa thu nhập 1.000 USD/người/năm thì ODA sẽ giảm. Cho nên bên cạnh ưu tiên ngân sách đầu tư cho kết cấu hạ tầng, cần tiếp tục khai thác tài trợ song phương của các nước và kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào kết cấu hạ tầng dưới hình thức BT (đầu tư chuyển giao), BOT (đầu tư, vận hành và chuyển giao) và hình thức mới là PPP (công tư – nhà nước và doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác). Muốn làm được điều đó cần có cơ chế thích hợp về huy động vốn với lãi suất thích hợp vì đầu tư kết cấu hạ tầng với lãi suất cao thì không thể đầu tư được.

Cũng theo đại biểu Hồ Nghĩa Dũng, một số dự án hiện nay thực hiện chậm có nhiều nguyên nhân về quản lý, tổ chức thực hiện. Nguyên nhân quan trọng nhất mà sắp tới sẽ có Nghị quyết đề cập tới là phải giải quyết vấn đề quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, thị trường đất đai.

“Tôi cho rằng kể cả về lý luận và thực tiễn không nơi nào có thị trường bất động sản giá cao và thay đổi liên tục như ở Việt Nam. Cao hơn cả các nước công nghiệp như Nhật Bản, thậm chí là Mỹ. Thị trường như vậy thì không thể huy động đầu tư. Do đó việc thực hiện các dự án chậm có nguyên nhân thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chậm. Có những dự án tiền đền bù, giải phóng mặt bằng còn cao hơn cả tiền tổng đầu tư dự án. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc dự án chậm tiến độ” – đại biểu Hồ Nghĩa Dũng phân tích.

Các phóng viên đang tác nghiệp bên hành lang Đại hội sáng 13-1. Ảnh: Minh Điền.

Các phóng viên đang tác nghiệp bên hành lang Đại hội sáng 13-1. Ảnh: Minh Điền.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa thiên Huế cho rằng, thời gian tới bên cạnh việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước cần chú trọng hơn đến việc đầu tư văn hóa. Theo đó, cần xem việc đầu tư văn hóa là điều đương nhiên để phát triển chứ không phải là kiểu đầu tư nhỏ giọt “để bảo tồn” như hiện nay. Theo đại biểu Thiện, hàng năm ngân sách Trung ương chỉ cấp cho Thừa Thiên - Huế phục vụ công tác bảo tồn di tích cố đô Huế khoảng 20 tỷ đồng thông qua chương trình mục tiêu văn hóa. Nhưng riêng tiền bán vé vào các khu di tích mỗi năm đã thu được gần 100 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, đầu tư cho văn hóa cũng sinh ra lợi nhuận kinh tế thiết thực. Do vậy nếu đầu tư thỏa đáng cho văn hóa thì chúng ta không chỉ bảo tồn mà còn thu được hiệu quả kinh tế. Đây là vấn đề lớn, nếu chúng ta không đầu tư sớm sau này di tích không chỉ ở Huế và còn nhiều nơi khác của cả nước sẽ bị xuống cấp, khó phục hồi.

Trước đó, tại đoàn đại biểu Khối các cơ quan Trung ương, đại biểu Cao Viết Sinh, Bộ Kế hoạch - Đầu tư băn khoăn vì một trong những nội dung đề cập của dự thảo Cương lĩnh là sẽ “công hữu tư liệu sản xuất”. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta hiện nay gồm nhiều thành phần, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân. Chúng ta cũng đã xác định trong Chiến lược phát triển KT-XH, khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trong để phát triển đất nước. Vì vậy, việc nêu rõ “công hữu tư liệu sản xuất” có thể gây lo ngại cho các loại hình doanh nghiệp này. Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ trước khi chính thức thông qua Cương lĩnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội tán thành ý kiến trên và cho rằng, đến giờ này, chúng ta đã định hướng được chủ nghĩa xã hội mà chúng ta tiến tới là gì, nhưng vẫn trăn trở: Chúng ta xây dựng CNXH, dường như đang có mâu thuẫn với chính chúng ta khi xác định thời kỳ quá độ, trong đó có mô hình nền kinh tế thị trường. Nếu xác định “công hữu về tư liệu sản xuất” thì lại đi ngược với kinh tế đa sở hữu. Theo ông Thuận, chúng ta không thể trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, nếu vẫn giữ những nội dung đó. Vì thế cần nghiên cứu kỹ những nội dung này trước khi thông qua và ban hành thành Nghị quyết cụ thể của Đảng.

Chiều 13-1, Đại hội sẽ có phiên thảo luận chung tại hội trường lớn về các văn kiện của Đại hội.

T.LƯU – V.NGHĨA – T.SƠN

Tin cùng chuyên mục