
Năm 2050, hai phần ba dân số thế giới sẽ sống trong các thành phố. Hiện tượng đô thị hóa ngày nay nhanh đến nỗi người ta đang lo sợ không biết hành tinh có đủ tài nguyên để duy trì khuynh hướng không thể đảo ngược này hay không. Hơn nữa các thành phố lại không được chuẩn bị để đối phó với một sự thay đổi nhanh đến như vậy.
- Năm 2050, Ấn Độ sẽ là nước đông dân nhất thế giới

Sao Paulo, thành phố đang phát triển mạnh mẽ tại Nam Mỹ.
Dân số toàn cầu gia tăng một cách ngoạn mục. Trong thế kỷ 20 nó đã tăng từ 1,6 tỷ lên 6 tỷ người. Tỷ lệ dân số tăng nhanh nhất diễn ra vào cuối thập niên 1960 với bình quân mỗi năm thêm 80 triệu người.
Theo Báo cáo dân số toàn cầu, hành tinh sẽ tăng 46% từ nay đến năm 2050, để đạt con số trên 9 tỷ người. Trong lúc các nước phát triển bị sụt giảm vì tỷ số sinh đẻ thấp và kiểm soát ngặt nghèo di dân, thì thế giới thứ 3 lại bùng nổ dân số. Ấn Độ sẽ tăng 52% để đạt con số 1,6 tỷ dân từ nay đến năm 2050 và biến thành tiểu lục địa có dân cư đông nhất thế giới, qua mặt cả Trung Quốc. Pakistan cũng sẽ lên đến 349 triệu người, tăng 134%.
Dân số châu Phi cũng gấp đôi để đạt con số 1,9 tỷ. Theo một báo cáo của Liên hiệp quốc năm 1994, trong số 2,5 tỷ dân thành phố toàn cầu, 1,7 tỷ là ở các nước kém phát triển, chiếm số lượng 2/3 đô thị thế giới. Khuynh hướng này còn tăng nhanh hơn nữa.
Theo hiệp hội Con người và hành tinh, có trụ sở tại Anh, năm 2007 đang có 3,2 tỷ người sống trong các thành phố, còn nhiều hơn cả dân số thế giới vào năm 1967. Điều này hứa hẹn gây ra nhiều thay đổi lớn. Theo Chủ tịch Viện Dân số tại Washington, Werner Formos, ước tính năm 2050, 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong đô thị, làm tăng áp lực hạ tầng cơ sở và các nguồn tài nguyên, dẫn đến phân hóa xã hội và cuộc sống khốn khổ tại thành phố theo một kiểu rất khủng khiếp.
Từ sự gia tăng dân số ở các đại đô thị, theo nhận định của tờ Washington Post, những thách thức khủng khiếp về dịch vụ y tế và môi trường đều giống nhau tại các nước công nghiệp hóa và các nước đang phát triển. Dân nghèo thành phố phải sống trong những điều kiện mất vệ sinh khác xa với cái mà họ từ bỏ ở nông thôn… Tại Caracas, hơn phân nửa chỗ ở là chiếm dụng bất hợp pháp. Các đô thị lớn của tương lai sẽ gặp rắc rối lớn về quản lý rác, nước thải và thay đổi khí hậu.
Tại Cairo, Ai Cập, các sân thượng và vô số nhà ở bị tràn ngập bởi các lều vải tạm bợ. Không hiếm cảnh, một gia đình dọn bữa ăn ngay trên bếp lò, trong lúc ở tầng dưới người ta làm việc chen chúc trong những căn phòng chật hẹp. Bởi thế thành phố Cairo cần một diện tích gấp 60 lần so với hiện nay để cung ứng cho 9 triệu dân của mình.
Các đại đô thị có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên èo uột của trái đất, và góp phần lớn vào việc làm hủy hoại môi trường. Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới – OMS – và Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc – PNUE – lập ra danh sách 7 đô thị lớn gồm: Mexico, Bắc Kinh, Cairo, Jakarta, Los Angeles, Sao Paulo và Moscow có không khí thở ô nhiễm cao gấp 3 lần giới hạn cho phép của OMS! Trong 20 thành phố được nghiên cứu, ít nhất có một chỉ tiêu sống vượt quá mức ô nhiễm cho phép.
- Dân chúng rất dễ mắc bệnh truyền nhiễm

Một khu ổ chuột tại thành phố lớn.
Phần lớn các đại đô thị gặp phải khó khăn về nước uống. Tại Johannesburg (Nam Phi), người ta buộc phải đi lấy nước xa hơn 500 km, ở vùng cao. Tại Bangkok (Thái Lan) nước mặn bắt đầu xâm nhập các tầng nước ngầm. Cấu trúc của thành phố Mexico nhất định phải lún xuống vì khai thác nước ngầm quá đáng.
Hơn 1 tỷ dân số, chiếm 20% đang không có nước sạch để dùng. Klaus Toepfer, chủ tịch PNUE, quả quyết: Khi người ta biết rằng 5 tỷ dân sẽ sống ở thành phố vào năm 2025, rõ ràng nhu cầu nước uống sẽ gia tăng khủng khiếp. Và mọi giải pháp cho khủng hoảng nước, có liên quan chặt chẽ đến việc quản lý các thành phố.
Dân các đại đô thị sống chen chúc ở các ngoại ô dơ bẩn cũng rất dễ mắc bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng. Lima tại Peru sẽ có dân số đến 9,4 triệu vào năm 2025, đã từng bị một trận dịch tả vào cuối những năm 1990 mà tạp chí The New York Times giải thích: Bởi dân nông thôn mới đến Lima phải sống trong những ngôi nhà không có nước thường xuyên và sử dụng cầu tiêu quy tụ trên những ngọn đồi phía trên khu vực của mình đang sống. Sử dụng thức ăn hỏng hóc và nước dơ bẩn khiến họ bị tiêu chảy và mất nước có thể dẫn đến tử vong.
Ngay từ bây giờ phải chú ý đến các đô thị loại này, vì cuộc sống hàng ngày của họ có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn thế giới. Các thành phố đang gặp những vấn đề môi trường nghiêm trọng khi dân cư không ngừng gia tăng.
Đinh Công Thành
Những thành phố đầu tiên trên thế giới xuất hiện ở chỗ ngày nay là Iraq, trên những cánh đồng vùng Mésopotamie, nằm giữa hai con sông Tigre và Euphrate. |