Quý 3 là giai đoạn kinh doanh nước rút, quyết định việc hoàn thành kế hoạch doanh thu năm tại hầu hết các doanh nghiệp (DN). Đây cũng là thời điểm quan trọng để các DN triển khai việc chuẩn bị dự trữ nguồn hàng, ổn định cung cầu và giá cả trong dịp cao điểm mua sắm cuối năm.
Phát triển tổng đàn, tăng hàng dự trữ
Vào những ngày này, nhân viên kinh doanh của hầu hết các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường bắt đầu bước vào “hành trình” ngược xuôi ở các tỉnh để chăm sóc cũng như nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của đối tác nhằm đảm bảo tốt nhất nguồn cung cho thị trường TP.
Tại Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), hệ thống “chân rết” trong chuỗi kết nối và cung ứng hàng hóa năm nay không ngừng được mở rộng tại các vùng miền, thông qua việc ứng vốn, đặt hàng trước cho các nhà vườn, HTX. Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, năm nay thời tiết thất thường, do vậy việc tăng cường ứng vốn để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, mua tận gốc - bán tận ngọn đã được Saigon Co.op triển khai khá sớm. Theo tính toán, nếu chỉ tính riêng lượng hàng hóa bình ổn, tết năm nay Saigon Co.op đã chuẩn bị 46.000 tấn hàng hóa các loại, với tổng trị giá khoảng 3.900 tỷ đồng để phục vụ người tiêu dùng. Cụ thể, đối với hàng lương thực Saigon Co.op chuẩn bị 12.000 tấn; 8.000 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại; 3.000 tấn thực phẩm chế biến và 16.000 tấn rau củ quả. Ở nhóm các mặt hàng không nằm trong chương trình bình ổn, Saigon Co.op cũng đang tiến hành ứng vốn, đặt hàng cho các đối tác để lưu kho theo đúng tiến độ.
Ở nhóm mặt hàng trứng gia cầm, rút kinh nghiệm từ đợt “sốt” giá trong tháng 1-2013 vừa qua (do chúng ta phụ thuộc nguồn cung quá nhiều vào các DN vốn FDI), hiện nay 2 DN chủ lực của TP là Ba Huân và Vĩnh Thành Đạt đều đã tăng tổng đàn lên 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết, tại thời điểm này người chăn nuôi đã có lãi nên việc phát triển tổng đàn gặp nhiều thuận lợi. Nếu những mùa tết trước, Vĩnh Thành Đạt phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung từ các Công ty như CP, Emivest thì năm nay công ty đang nỗ lực kết nối với các vệ tinh để tăng nguồn cung trứng cho thị trường TP. Hiện Vĩnh Thành Đạt cũng đăng ký số lượng trứng cung ứng trong tháng tết tăng 30% so với năm ngoái, đạt 3,1 triệu quả nhưng nếu nhu cầu tăng thì công ty vẫn có đủ nguồn hàng để đáp ứng.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cũng cho rằng, công tác chuẩn bị hàng tết diễn ra khá thuận lợi. Hiện công ty đã chuẩn bị khoảng 80% nguyên liệu, tương ứng với hơn 600 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm tết, Vissan đã phát triển đàn heo thịt, đồng thời tiến hành ứng vốn cho các đối tác để đảm bảo trong chuồng luôn có 40.000 con heo thịt. Ở mặt hàng thịt bò, Vissan cũng đang tiến hành nhập khẩu bò Úc để cung ứng cho thị trường TP trong dịp trước, trong và sau tết.
Bên cạnh đó, một số DN cũng đang tập trung sản xuất như: Công ty Biển Bình Minh - 584 Nha Trang phát triển thương hiệu nước mắm Trường Sa đã đầu tư xây dựng mới 2 nhà máy với công suất 20.000 tấn/năm; Công ty Nước mắm Liên Thành tăng sản lượng sản xuất lên 412% so với cùng kỳ; Công ty San Hà tăng lượng hàng phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014 lên 241% so với cùng kỳ; HTX Phước An đã phối hợp với Quỹ QSEAP của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thực hiện thành công dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (CIDA), mở rộng diện tích trồng rau đạt chứng chỉ VietGAP lên 13,9 ha…
Không để biến động giá
Cùng với việc dự trữ nguồn hàng, một trong những vấn đề quan trọng khác đó là giá hàng tết. Điều đáng mừng, theo dự báo của hầu hết các DN là giá bán các mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm sẽ ít có khả năng biến động. Nguyên nhân chính là sức mua trên thị trường sẽ không tăng đột biến, trong khi đó nguồn cung hàng hóa đang trở nên dồi dào, phong phú. Để đẩy nhanh lượng hàng hóa ra thị trường, không còn cách nào khác các DN phải tìm mọi cách để giữ giá.
Ông Văn Đức Mười khẳng định, hiện Vissan đã tiến hành chốt giá bán các mặt hàng đảm bảo từ nay đến tết sẽ không tăng giá. Đặc biệt trong tháng tết, nhiều khả năng giá sẽ giảm vì nhiều lý do. Vấn đề khiến nhiều DN lo lắng hiện nay chính là sức mua chứ không phải giá bán.
Cùng quan điểm này, bà Bùi Hạnh Thu cho hay, đến nay giá bán hầu hết các mặt hàng đã và đang ổn định ở mức cao. Siêu thị chưa nhận được những thông báo mới của các nhà cung cấp về việc điều chỉnh giá. Đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nguồn cung đang trở nên dồi dào đã tạo điều kiện tốt cho công tác chuẩn bị và dự trữ hàng hóa. Tóm lại, với những nhóm hàng nằm trong chương trình bình ổn giá, sẽ ít có khả năng biến động về giá.
Riêng với mặt hàng rau củ quả, tại thời điểm này thời tiết diễn biến khá thất thường, làm ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thỏ Việt, bước sang tháng 11, thời tiết sẽ dần ổn định, việc canh tác rau sẽ thuận lợi hơn nên sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung. Về giá bán, bà Ngọc khẳng định sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến tết. Hiện khả năng Thỏ Việt gieo trồng hơn 200 ha nhưng do mức cầu còn hạn hẹp nên HTX chỉ bó gọn trong 50 ha, trong đó 48 ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hàng ngày, Thỏ Việt đã cung ứng cho thị trường khoảng 30 tấn rau củ quả các loại. Riêng trong tháng tết, HTX cũng đã chuẩn bị lượng hàng tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với sản lượng đăng ký.
Có thể nói, hàng hóa phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm sẽ rất đa dạng, phong phú. Các DN bình ổn đang thể hiện sự quyết tâm cao trong việc chuẩn bị và dự trữ nguồn hàng để ổn định giá bán.
THÚY HẢI