Chấp hành các quy định của Thông tư 60

Các doanh nghiệp than khó

Các doanh nghiệp than khó

Sở Bưu chính - Viễn thông (BC-VT) TPHCM đang áp dụng nghiêm Thông tư 60 về quản lý trò chơi trực tuyến. Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh game online tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị đình chỉ kinh doanh vì không đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của thông tư này. Vì đâu mà tất cả các doanh nghiệp kinh doanh game online lại cùng chậm trễ chấp hành quy định của pháp luật? Chúng tôi đi tìm câu trả lời từ một số doanh nghiệp cho vấn đề này.

  • Chậm trễ vì phụ thuộc vào đối tác
Các doanh nghiệp than khó ảnh 1

Game online được giới trẻ ưa thích.
Ảnh: VIỆT DŨNG

Có thể nhiều người không cho rằng thẩm định nội dung game là một vấn đề khó, nhưng nhiều doanh nghiệp game online không đồng ý như vậy. Bằng chứng là hiện nay phần lớn doanh nghiệp kinh doanh game online đều chưa nhận được phê duyệt nội dung từ phía Bộ Văn hóa - Thông tin (VHTT).

Lý do? Câu trả lời đầu tiên từ các nhà cung cấp game online tại Việt Nam là hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều chỉ là nhà phát hành game do đối tác nước ngoài sản xuất. Vì vậy, để thực hiện các yêu cầu về mặt quản lý nhà nước như trình duyệt kịch bản nội dung trò chơi, xin xác nhận đáp ứng điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ… các doanh nghiệp cũng bị động, chờ câu trả lời từ phía đối tác.

Ông Phạm Thành Đức, Phó Giám đốc Công ty cổ phần FPT Telecom, đơn vị phát hành game “MU – Xứng danh anh hùng” và “PTV - Tìm lại miền đất hứa” cho biết: “Chúng tôi đã nộp hồ sơ cho Bộ VHTT từ tháng 7 để xin phê duyệt nội dung kịch bản game, tuy nhiên do lần đầu thực hiện các yêu cầu này, nên còn nhiều bỡ ngỡ, cần được bộ hướng dẫn thêm. Sau đó, chúng tôi có bổ sung vào kịch bản theo yêu cầu từ Bộ VHTT, tuy nhiên để thực hiện các yêu cầu của Bộ VHTT chúng tôi phải hỏi thêm từ phía đối tác nước ngoài. Có một số vấn đề, đối tác nước ngoài của chúng tôi cũng chưa thể trả lời ngay được”.

Theo ông Đức, quy định là phải được duyệt hồ sơ kịch bản, sau đó mới trình Bộ BCVT về điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ. Mà ông Đức cho biết hiện mới chỉ có VinaGame và Asiasoft là đã hoàn thành xong giai đoạn này để có hồ sơ kỹ thuật nghiệp vụ trình lên Bộ BCVT.

Ý kiến từ phía doanh nghiệp cho rằng lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến còn quá mới mẻ nên tất cả các doanh nghiệp còn nhiều bỡ ngỡ khi thực hiện các quy định của Thông tư 60. Thực tế, trước khi thông tư được ban hành, các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần lấy ý kiến doanh nghiệp, tuy nhiên chưa bắt tay vào thực hiện, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng “có thể thực hiện được” và hầu như không có ý kiến phản đối gì về các quy định của thông tư.

Thế nhưng, khi bắt tay vào thực hiện mới thấy còn quá nhiều việc phải làm, nên sau khi thời hạn nộp hồ sơ, báo cáo về tình trạng hạ tầng kỹ thuật nghiệp vụ cho Bộ BCVT đã hết một tháng nay mà tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến đều chưa đáp ứng đủ quy định của thông tư.

  • Giới hạn giờ chơi, bài toán khó

Trong số tất cả các doanh nghiệp kinh doanh game online hiện nay tại Việt Nam, chỉ mới VinaGame và AsiaSoft là tiến xa nhất trong việc thực hiện các quy định của Thông tư 60. Hai doanh nghiệp này đã được thẩm định nội dung trò chơi và có báo cáo kỹ thuật gửi Bộ BCVT, dù rằng đó là những báo cáo kỹ thuật chưa hoàn chỉnh theo yêu cầu của thông tư.

Cái thiếu của hai doanh nghiệp này là chưa có báo cáo về giải pháp giới hạn giờ chơi trong các game online của mình. Theo quy định, các game online tại Việt Nam phải giới hạn giờ chơi cộng điểm thưởng là 3 giờ/ngày. Nếu chơi thêm 2 tiếng nữa, điểm thưởng giảm xuống một nửa. Nếu người chơi tiếp tục chơi bằng tài khoản đó thì sẽ không có điểm thưởng. Đây là điều mà các doanh nghiệp cho rằng cửa ải khó vượt qua nhất.

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VinaGame (đang phát hành Võ lâm truyền kỳ, Cửu long tranh bá và Ragnarok), cho biết: “Về điều kiện kỹ thuật, VinaGame đã báo cáo với Bộ BCVT về hệ thống máy chủ, hệ thống bảo vệ thông tin khách hàng, hệ thống đăng ký thông tin khách hàng, hệ thống phục vụ khách hàng, hệ thống phần mềm hỗ trợ quản lý hồ sơ khách hàng…

Điều kiện mà VinaGame hiện chưa đáp ứng được là giới hạn điểm thưởng, tuy nhiên, việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp mà phụ thuộc vào đơn vị sản xuất phần mềm trò chơi. Hệ thống điểm thưởng là phần xương sống của phần mềm và việc thay đổi sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức, nếu không nói là một số trường hợp không thực hiện được.

Các đối tác của VinaGame ở Hàn Quốc (nhà phát triển trò chơi Cửu long tranh bá và Ragnarok) thông báo là đang nghiên cứu nhưng chưa có giải pháp, còn Kingsoft (nhà phát triển trò chơi Võ lâm truyền kỳ) đang cố gắng thử nghiệm giải pháp”.

Gần như có cùng hoàn cảnh với VinaGame trong trường hợp này, chị Lương Hoàng Bích Phượng, phụ trách PR của Công ty AsiaSoft (phát hành game Gunbound, TS online, Hiệp khách giang hồ và sắp tới là Tam quốc chí) cho biết thêm: “Đây là game nước ngoài được Việt hóa. Tại bản địa, nhà sản xuất không phải khống chế giờ chơi, nên khi thực hiện quy định này, ngay cả nhà sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, khi điều chỉnh trên phần mềm Việt hóa phiên bản tại Việt Nam, nhà sản xuất game còn phải theo dõi thực tế hạ tầng kỹ thuật tại đây. Một game được phát triển trong nhiều năm, việc chỉnh sửa phần mềm cũng cần một thời gian để kiểm tra, hoàn thiện”.

Nói về ý thức chấp hành pháp luật, ông Phạm Thành Đức trầm ngâm: “Đây là một thị trường được dư luận quan tâm, chúng tôi, với tư cách một doanh nghiệp lớn trên thị trường nên đã rất chú ý, nỗ lực thực hiện các quy định pháp luật nhưng còn phụ thuộc đối tác nước ngoài. Có những chuyện chúng tôi cũng không lường trước được”.

HỒ XUNG

Tin cùng chuyên mục