Hiện nay, hầu hết đơn vị nghệ thuật công lập ở TPHCM đều hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu về doanh thu. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng hoạt động của một số đơn vị thì không hẳn điều đó đã đáng mừng?
Vé hát ế ẩm!
Không ít người bức xúc và đặt ra nhiều câu hỏi tại sao các đơn vị nghệ thuật công lập được Nhà nước tạo điều kiện hoạt động lại kém năng động, trong khi đó, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa phải tất bật sáng đèn thường xuyên để tạo doanh thu? Ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang nhìn nhận: “Hiện nay, tổ chức biểu diễn để bán được vé cũng cả một vấn đề lớn chứ không hề đơn giản như trước nữa. Nếu như trước kia, khi ra mắt vở diễn mới, tôi thường vận động bạn bè, mạnh thường quân là những người kinh doanh bất động sản sẵn sàng bỏ tiền ra mua từ vài chục đến vài trăm vé/suất diễn tặng cho cán bộ, công nhân viên, người thân thì nay vận động cỡ nào cũng chẳng ai mua. Ai nấy đều lắc đầu vì đang gặp khó khăn trong kinh doanh bất động sản…”.
Còn nghệ sĩ Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM lý giải cho nguyên nhân “đại bản doanh” rạp Công Nhân không thường xuyên sáng đèn là: “Đối với một đơn vị nghệ thuật công lập, mỗi khi tổ chức biểu diễn, chúng tôi đều phải tính toán rất kỹ để cân đối thu chi sao cho không phải bù lỗ, chứ nếu năm nào cũng bù lỗ thì xem như không hoàn thành nhiệm vụ và phải giải trình, kiểm điểm… Cho nên, ngoài biểu diễn phục vụ chính trị, phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, chúng tôi còn tổ chức biểu diễn theo hợp đồng. Nhờ vậy mà năm 2012, chúng tôi đã đạt doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng…”.
Trong tình hình biên chế diễn viên Nhà hát kịch còn hạn chế, tất cả đều phải thuê diễn viên bên ngoài nên chi phí rất cao, nếu càng diễn nhiều, chắc chắn nhà hát càng lỗ nặng.
Với Đoàn nghệ thuật Múa rối TPHCM, thời gian qua không có chỗ diễn ổn định, ngoại trừ biểu diễn phục vụ khách du lịch trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – chi nhánh TPHCM nên trăm bề khó.
Riêng với Đoàn nghệ thuật Xiếc TPHCM, tuy phải thấp thỏm chưa biết ngày nào phải di dời rạp bạt biểu diễn từ công viên 23-9 đi nơi khác, nhưng đoàn cũng cố gắng diễn tại chỗ và lưu diễn trong – ngoài nước nên doanh thu năm nay đạt trên 7 tỷ đồng, đạt hơn 200% chỉ tiêu.
Chờ “cú hích”?
Trước tình hình hoạt động của các đơn vị nghệ thuật công lập hiện nay, nếu muốn tương lai phát triển, được đông đảo công chúng đón nhận nhiều hơn nữa, rõ ràng đòi hỏi từng đơn vị phải có những hoạch định riêng cho mình. Trong năm 2013, Nhà hát Kịch TPHCM sẽ kết hợp với một đối tác truyền hình tổ chức chương trình sân khấu phục vụ khách du lịch, biểu diễn mỗi ngày từ 1 đến 2 suất. Đồng thời, nhà hát sẽ huy động dàn diễn viên trẻ, khởi động dự án dàn dựng lại một loạt kịch cách mạng của những năm 1960 – 1970 như Đâu có giặc là ta cứ đi, Phát súng, Lá cờ, Mùa xuân, Ngày ấy hôm nay, Bà mẹ và thanh gươm… và sẽ được bán vé phục vụ sinh viên với giá rẻ: 10.000 đồng/vé. Ngoài ra, nhà hát sẽ phối hợp với một số trường ngoại ngữ dàn dựng các trích đoạn, độc thoại do chính các sinh viên giỏi ngoại ngữ tập diễn kịch phục vụ sinh viên ngoại ngữ học ngoại khóa thông qua loại hình kịch nói. Riêng đầu năm 2013, nhà hát sẽ đầu tư dàn dựng vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung để tham gia Liên hoan tài năng trẻ.
Với Đoàn nghệ thuật Múa rối TPHCM năm tới đơn vị sẽ tập trung lập đề án sửa chữa rạp Nhân Dân, tổ chức biểu diễn phục vụ công chúng cùng với việc tuyển thêm diễn viên để thực hiện được nhiều vở diễn, chương trình hấp dẫn. Trong khi đó Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chỉ tập trung đầu tư dàn dựng 3 vở diễn mới và lưu diễn tạo nguồn doanh thu. Bên cạnh đó, nhà hát phối hợp cùng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TPHCM đào tạo nguồn diễn viên trẻ.
Còn Đoàn nghệ thuật Xiếc TPHCM cho biết, năm 2013 sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm một số tiết mục, chương trình mới, đầu tư cho một số diễn viên đi tham dự các liên hoan xiếc quốc tế và chuẩn bị đạo cụ cho việc dàn dựng những tiết mục xiếc lớn mà đoàn chưa có như cầu bật, nhào lộn trên sào, đu thuyền…
Có thể nói, với những gì mà một số đơn vị nghệ thuật công lập đã hoạch định cho tương lai gần - năm 2013 đã bước đầu cho thấy tất cả đều muốn tìm hướng đi mới, nhưng dường như cũng chưa thể tạo ra một “cú hích” để phát triển.
| |
VÂN AN