Các hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức ngày một tốt hơn

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đến 7 giờ ngày 21-5, các địa phương đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện việc vận động bầu cử. Nhân dịp này, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với báo chí về kết quả đạt được của các hội nghị tiếp xúc cử tri; nhắn nhủ các cử tri tin tưởng vào kết quả hiệp thương của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tham gia đi bầu cử đầy đủ và có trách nhiệm.
Các hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức ngày một tốt hơn

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đến 7 giờ ngày 21-5, các địa phương đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện việc vận động bầu cử. Nhân dịp này, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với báo chí về kết quả đạt được của các hội nghị tiếp xúc cử tri; nhắn nhủ các cử tri tin tưởng vào kết quả hiệp thương của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tham gia đi bầu cử đầy đủ và có trách nhiệm.

- Phóng viên: Thưa ông, theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, 21-5 là ngày kết thúc Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa những ứng viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân với cử tri. Ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được qua các hội nghị?

* Ông NGUYỄN VĂN PHA: Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, lần này việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri tốt hơn so với kỳ trước. Cụ thể, số cuộc tiếp xúc cử tri tuy các địa phương không tăng nhưng số cử tri tham dự đông, ví dụ như tại Quảng Ninh có cuộc tiếp xúc có tới hơn 600 cử tri dự. Bên cạnh đó, tại hội nghị tiếp xúc cử tri, sự trao đổi qua lại, chất vấn của cử tri đối với chương trình hành động của người ứng cử ở một số nơi làm tốt, còn một số nơi chưa phổ biến kỹ, dẫn đến có cuộc tiếp xúc thành nơi để cử tri kiến nghị những vụ việc cụ thể. Các đơn vị cần giải thích rõ để cử tri hiểu các ứng viên chưa phải là đại biểu, vì vậy các kiến nghị của cử tri chỉ được ghi nhận lại. Việc trao đổi chương trình hành động của các ứng viên tại các cuộc tiếp xúc cử tri tại nhiều nơi diễn ra tốt, nhưng ở một số nơi, số cử tri tham dự ít, sự trao đổi giữa ứng cử viên và cử tri không được phong phú.

Chuẩn bị thùng phiếu bầu cử tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM, ngày 21-5 (Ảnh: VIỆT DŨNG)

Tại một số địa phương, xuất hiện thêm hình thức “mạn đàm tiểu sử” người ứng cử. Đây là hình thức được Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trả lời: trong luật không có hình thức “mạn đàm tiểu sử” nhưng vì lý do bầu cử cùng một lúc bốn cấp, có rất nhiều người ứng cử, vì vậy, để tạo điều kiện cho cử tri có thời gian tìm hiểu kỹ hơn về người ứng cử, hình thức “mạn đàm tiểu sử” là cần thiết. Như vậy, các địa phương sẽ photo tiểu sử của những người ứng cử cho tổ dân phố để tổ chức các cuộc nghiên cứu, đánh giá nhận xét. Trong văn bản gửi Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có yêu cầu việc “mạn đàm tiểu sử” chỉ nhằm mục đích để cử tri hiểu rõ, tường tận hơn về tiểu sử, chương trình hành động của các ứng viên, nhưng tuyệt đối không được can thiệp vào việc định hướng cho cử tri bầu cho bất cứ ứng cử viên nào. Các địa phương đều đã quán triệt và làm tốt việc này. Đến giờ có thể khẳng định về cơ bản, các cử tri quan tâm đã hiểu tường tận về những người ứng cử ở địa phương mình.

- Theo đánh giá của ông, các chương trình hành động mà các ứng viên đưa ra tại các cuộc tiếp xúc cử tri có cụ thể, sát với mong muốn của cử tri chưa?

* Qua theo dõi cho thấy, hầu hết các chương trình hành động của người ứng cử khá gọn, cụ thể, thiết thực. Không có ứng cử viên nào hứa những việc không thuộc thẩm quyền của mình cũng như những việc khả năng của mình không làm được, vì nếu đã hứa mà trong nhiệm kỳ không làm được, khi giám sát sẽ bị bãi nhiệm. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri lần này có rất ít lời hứa chung chung. Nhưng chắc chắn lời hứa mà ứng cử viên nào cũng phải đưa ra đó là: nếu trúng cử sẽ thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền, đồng thời để cử tri giám sát việc thực hiện lời hứa đó.

- Ngày 22-5 diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, theo ông, làm thế nào để cử tri có thể lựa chọn được người xứng đáng vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp?

* Cử tri cần tin tưởng vào kết quả hiệp thương của MTTQ Việt Nam, có nghĩa là những người đã được Mặt trận hiệp thương đưa vào danh sách chính thức là những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện để ứng cử. Quyền bầu cử là quyền đã được hiến định và được luật định, là quyền thiêng liêng của mỗi cử tri. Đến ngày bầu cử, mong các cử tri bố trí thời gian tham dự đầy đủ, đúng giờ và trực tiếp, đảm bảo để cuộc bầu cử tại địa phương mình thành công, cũng là góp phần vào cuộc bầu cử toàn quốc thành công và thực sự là ngày hội của toàn dân.

- Trân trọng cảm ơn ông!

PHAN THẢO (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục