Kỷ niệm về những lần đi bầu cử

Tôi hay có những kỷ niệm nho nhỏ, nhưng lại rất khó quên. Nhân dịp toàn dân ta bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tôi lại nhớ những chuyện xa xưa.
Kỷ niệm về những lần đi bầu cử

Tôi hay có những kỷ niệm nho nhỏ, nhưng lại rất khó quên. Nhân dịp toàn dân ta bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tôi lại nhớ những chuyện xa xưa.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ chấm dứt ném bom ở miền Bắc, Trường học sinh miền Nam số 8 của chúng tôi từ nơi sơ tán trở về trường chính dưới chân núi Tam Đảo. Và lần đầu tiên những học sinh chúng tôi được đi bầu cử Hội đồng nhân dân thị trấn Tam Đảo. Tôi còn nhớ mình cứ săm soi mãi chiếc thẻ cử tri, chiếc thẻ chỉ là tấm giấy nho nhỏ, rất đơn sơ, nhưng nó lại đánh dấu một bước ngoặt lớn là tôi đã trở thành một công dân có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ. Tiếc là sau này tôi không giữ lại được chiếc thẻ cử tri ấy. Lần đầu tiên được đi làm nghĩa vụ công dân, được đi bầu cử, đám học trò chúng tôi lớ ngớ, gần như chẳng biết gì, thầy cô phải chỉ cho chúng tôi từng chút: cầm lá phiếu thế nào, chọn bỏ phiếu cho ai… Đặc biệt lần đó, cô giáo dạy môn hóa của chúng tôi lại ứng cử Hội đồng nhân dân nên chúng tôi càng có tâm trạng náo nức, lạ lẫm. Địa điểm bầu cử ở gần trường, tại Lâm trường Tam Đảo, ngay dưới chân núi Tam Đảo, có dòng suối chảy qua. Miền Bắc mới vừa hết chiến tranh, vùng chúng tôi ở là vùng núi và có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống ở vùng này còn nghèo. Nhưng lần đi bầu cử thật đáng nhớ: buổi sáng se lạnh, rồi nắng lên, có cả chim hót và tiếng suối róc rách nữa… Chúng tôi, mấy trăm học sinh sắp hàng đi bầu. Vui lắm. Giá mà tôi có thể chiếu lại những hình ảnh tôi còn khắc ghi trong đầu...

Càng vui hơn khi biết cô giáo dạy hóa của chúng tôi đắc cử. Chúng tôi cũng không biết là làm đại biểu Hội đồng nhân dân thì cô sẽ làm những gì nhưng cô đắc cử, đó chính là điều chủ yếu!

Lần thứ hai tôi được đi bầu cử, đó là năm 1976, một năm sau khi miền Nam và thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Khi ấy tôi cũng đi học, nhưng là học ở Trường Đại học Tổng hợp. Là sinh viên rồi, nhưng sự hiểu biết về việc bầu cử thì vẫn còn non nớt lắm. Chọn lựa ai để bầu thì chúng tôi càng ít biết. Trong lớp, chúng tôi cứ bàn bạc với nhau về các ứng cử viên. Ba tôi là nhà giáo và là nhà chính trị nên ông rất rành, chỉ đạo cho má con chúng tôi. Tôi cũng đem vô kể cho bạn bè để bàn luận. Nhưng từ trong sâu thẳm, sinh viên chúng tôi rất hiểu ý nghĩa của việc mình đi bầu cử. Bạn học của tôi, có những người sinh ra hoặc sinh sống ở miền Nam và Sài Gòn trước giải phóng, nên việc đi bầu cử Quốc hội của một nước Việt Nam độc lập có ý nghĩa rất lớn.

Những ngày trước bầu cử, tình cảm, ý thức và trách nhiệm về quyền công dân của người Sài Gòn càng thể hiện mạnh mẽ. Thành phố có những cuộc diễu hành của công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh... Nhiều nhà lập bàn thờ Tổ quốc, treo cờ, kết hoa để chào mừng tổng tuyển cử. Xe chạy trên đường phát loa kêu gọi, nhắc nhở cử tri đi bầu, tạo thành một không khí vừa sôi động vừa dễ thương mà tôi cứ nhớ mãi.

Sáng sớm ngày bầu cử, cả nhà tôi đã chuẩn bị sẵn sàng theo lệnh của ba tôi, ăn mặc rất đàng hoàng, má tôi còn mặc áo dài. Ba tôi đi trước cùng các đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè của ông. Nhưng không quên dặn đi, dặn lại cả nhà là phải đi bầu cử sớm, đừng đi trễ. Ông bảo: “Anh em tổ bầu cử người ta chờ, tội nghiệp anh em”. Má tôi và mấy anh em tôi xếp hàng theo dòng người dài dằng dặc để đi bầu.

Tối lại, xem thời sự trên đài truyền hình, chúng tôi được thấy hình ảnh các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đi bầu cử: Bác Tôn Đức Thắng, ông Nguyễn Hữu Thọ, ông Phạm Hùng, ông Trần Văn Trà. Và cả ông Dương Văn Minh cũng đi bầu cử vào ngày này, 25-4-1976.

Và năm 2007, có lẽ lại là năm có một sự kiện riêng đối với tôi và gia đình khi tôi trở thành ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Từ trước tới giờ mình đi bầu cho người khác, giờ mình lại được bỏ phiếu cho chính mình. Không thiêng liêng và vinh dự sao? Tôi nhớ mãi những lần đi tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động của mình… Giờ nghĩ lại, tôi cũng thấy mình còn quá non nớt. Nhưng cũng học được nhiều điều: tôi được nói những gì mà tôi tâm huyết, mong muốn thực hiện để làm cho cuộc sống của đồng bào tôi có thể sung sướng, hạnh phúc hơn bằng công việc làm phim tài liệu của mình; góp phần làm cho thành phố tôi, đất nước tôi sẽ giàu mạnh, văn minh hơn... Tôi cũng được nghe bà con cử tri góp ý cho chương trình hành động của mình và nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con cử tri để mình có thể sáng tác, làm phim tốt hơn.

Thật hạnh phúc và xúc động, tại điểm bầu cử ở Trường Lê Quý Đôn, tôi gặp nhiều người nhận ra tôi là ứng cử viên và vui vẻ nói là “đã bỏ phiếu cho em”.

Và năm nay, khi lại chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tôi lại có một kỷ niệm. Lần này, giới văn nghệ sĩ TPHCM lại được cử người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tôi lại có một công việc, đó là chia sẻ kinh nghiệm của những lần đi ứng cử, tiếp xúc cử tri cho những ứng cử viên trẻ trung hơn. Đi tiếp xúc cử tri là để nghe tâm tư, nguyện vọng của những người dân xem họ cần gì ở những đại biểu của họ; rồi nghĩ ngợi coi mình sẽ phải làm những gì có ích cho dân… Đừng hứa những gì mà mình không làm được; phải gắn nghề nghiệp là nghệ sĩ của mình với việc sẽ là đại biểu của nhân dân.

Mong cho các bạn trẻ của mình sẽ đắc cử và làm tròn nhiệm vụ, vừa là nghệ sĩ, vừa là đại biểu tin cậy của nhân dân.

Tôi lại thấy náo nức như những lần đi bầu cử trước đây, mình sẽ lại gửi gắm những hy vọng cho những người mà mình tin cậy…

DƯƠNG CẨM THÚY

Tin cùng chuyên mục