Các loại tài sản nào buộc phải bán qua đấu giá?

Ở lần sửa này, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản liệt kê cụ thể những loại tài sản buộc phải bán thông qua đấu giá, như quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet, nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ…
Quang cảnh một phiên họp toàn thể của Quốc hội
Quang cảnh một phiên họp toàn thể của Quốc hội

Sáng 28-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Ở lần sửa này, dự luật liệt kê cụ thể những loại tài sản buộc phải bán thông qua đấu giá, như quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet, nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ…

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ, Bộ Tư pháp - cơ quan soạn thảo - cho biết, có ý kiến đề nghị tăng mức tiền cọc, quy định tiền cọc theo giá trị tài sản. Riêng tài sản đặc thù có thể nâng tiền cọc lên 50% giá khởi điểm. Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung chế tài xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc, như phạt tiền, bồi thường chi phí tổ chức đấu giá hoặc không cho tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định, thậm chí xử lý hình sự.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, mức tiền cọc 5-20% giá khởi điểm tài sản đấu giá như tại dự thảo luật là phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.

"Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao, sẽ có ít người đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá, nhất là với những tài sản giá trị lớn như quyền sử dụng đất", Bộ Tư pháp đánh giá.

Trong khi đó, các nước hiện không quy định cụ thể về tiền cọc đấu giá. Thay vào đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền cọc theo loại tài sản, hình thức đấu giá.

Cũng theo Bộ Tư pháp, việc nộp tiền đặt trước là một trong các điều kiện để tham gia đấu giá. Sau khi trúng đấu giá thì khoản tiền này được chuyển thành tiền cọc để bảo đảm người trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Người trúng đấu giá không ký hợp đồng mua bán hoặc không nộp tiền trúng đấu giá, họ sẽ mất tiền đặt cọc. Trường hợp các bên ký hợp đồng mua bán tài sản, việc xử lý tiền đặt cọc và phạt thực hiện theo hợp đồng và bộ luật dân sự.

Để hạn chế tình trạng "cò mồi", tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi, dự thảo luật quy định người tham gia đấu giá không trả giá, cố tình trả giá không hợp lệ (dưới giá khởi điểm, ghi phiếu sai) sẽ bị mất tiền cọc.

Cơ quan soạn thảo cho hay sẽ cùng các bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về điều kiện tham gia đấu giá, nhất là năng lực tài chính. Cùng đó, các cơ quan sẽ nghiên cứu chế tài xử lý với người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc, như cấm tham gia đấu giá, phạt vi phạm hành chính, phạt vi phạm hợp đồng.

Về những loại tài sản sẽ bán thông qua, tại thảo luận ở tổ trước đó có ý kiến đề nghị không liệt kê các loại tài sản đấu giá, vì khó dự liệu hết những loại tài sản phát sinh trong tương lai. Cũng có ý kiến đề nghị không quy định bán đấu giá với các tài sản giá trị thấp.

Bộ Tư pháp giải thích, luật sửa đổi một số điều lần này kế thừa quan điểm Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức. Tức là quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản áp dụng thống nhất với pháp luật chuyên ngành. Do đó, dự thảo luật liệt kê các loại tài sản theo pháp luật chuyên ngành phải bán qua đấu giá, trong đó có tài sản quyền sử dụng đất để xây dựng dự án đầu tư, tài sản công là quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm, cơ sở dữ liệu.

Dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn, điều kiện với đấu giá viên, như phải có bằng tốt nghiệp đại học ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng. Đấu giá viên không được miễn đào tạo nghề đấu giá như trước đây. Tất cả người muốn hành nghề đấu giá đều phải qua khóa đào tạo nghề, nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề của đội ngũ đấu giá viên.

Tin cùng chuyên mục