

Trong phiên họp ngày 28-3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất tiền gửi ngân hàng thêm 0,25%: từ 4,5% lên 4,75%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 15 liên tiếp, đưa mức lãi suất tiền gửi của FED lên mức cao nhất kể từ tháng 4-2001 và cũng là mức cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8).
Thông báo tăng lãi suất được đưa ra ngay trong phiên họp đầu tiên của tân Chủ tịch Ben Bernanke - người được cho là tiếp tục công thức “tăng lãi suất- chống lạm phát” của người tiền nhiệm Alan Greenspan.
Đồng USD đã tăng giá so với các đồng tiền khác sau quyết định của FED. Tuy nhiên việc FED tăng lãi suất lại không được các nhà đầu tư ở Wall Street đón nhận và họ tỏ ra thất vọng vì FED đã không đưa ra được một thời điểm rõ ràng kết thúc quá trình tăng lãi suất. Chỉ số Dow Jones trong phiên giao dịch sáng 29-3 giảm 95 điểm và chỉ số Nasdaq giảm 11,12 điểm. Các nhà đầu tư ở Wall Street còn nản lòng hơn nữa trước những dự đoán FED không chỉ tăng lãi suất trong kỳ họp tới ngày 10-5, mà còn tăng thêm vài lần nữa - có thể lên đến 5,5% trong năm nay.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra khuyến cáo các nước trong khu vực cần chuẩn bị đối phó khả năng đồng USD xuống giá mạnh và đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ trong rổ tiền tệ của mình. Mặc dù giảm nhẹ khả năng đồng USD sụt giá bất ngờ, nhưng ADB cảnh báo trong tình trạng thâm hụt tài chính Mỹ nặng như hiện nay, một khi đồng USD rớt giá, có thể gây nên cú sốc đối với nền kinh tế Mỹ và làm mất cân bằng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng thương mại ở châu Á và làm giảm giá trị của các tài sản trị giá bằng đồng USD ở châu Á.