Các nước châu Á rộn rã đón tết

Trong những ngày cuối năm âm lịch, hàng triệu người Trung Quốc vẫn tất bật đón xe về quê ăn tết. Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết có khoảng hơn 2,8 tỷ lượt người đi lại trong dịp tết âm lịch, cao hơn 3,4% so với năm ngoái.
Các nước châu Á rộn rã đón tết

Trong những ngày cuối năm âm lịch, hàng triệu người Trung Quốc vẫn tất bật đón xe về quê ăn tết. Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết có khoảng hơn 2,8 tỷ lượt người đi lại trong dịp tết âm lịch, cao hơn 3,4% so với năm ngoái.

Người Trung Quốc chuẩn bị các câu đối tết với chữ Phúc.

Ngựa xe như nước

Trung Quốc đã đưa vào sử dụng nhiều tuyến tàu cao tốc mới từ năm 2014 nhằm giảm tắc nghẽn giao thông trong dịp năm mới. Tập đoàn đường sắt Trung Quốc đầu tháng 1 đã công bố kế hoạch đưa thêm nhiều đoàn tàu vào vận hành nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, áp lực đối với ngành giao thông vẫn nặng nề qua từng năm dù cho Trung Quốc đã có nhiều cải thiện trong hệ thống cơ sở hạ tầng. Mạng lưới vận chuyển gồm đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy trong 10 năm qua liên tiếp lập kỷ lục về số lượt đi lại trong dịp tết cổ truyền. Theo dự kiến, số lượt đi lại bằng đường sắt dịp tết năm 2015 sẽ tăng 10% so với năm trước, mức tăng cao hơn so với các phương tiện vận chuyển khác.

Tờ Want China Times cho hay, các hãng hàng không nội địa Trung Quốc đã tăng thêm 8.740 chuyến bay để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ này. Trong khi đó, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí, nhiều người đã chọn cách đi xe máy về quê.

Hãng Tân Hoa xã cho biết trong các ngày từ 14 đến 16-2 đã có hơn 2 triệu lượt người rời khỏi Bắc Kinh về quê. Các trang mạng Trung Quốc cũng tham gia bằng cách đưa các thông tin nóng nhất về lịch tàu xe và hướng dẫn cách mua vé tiện lợi cho mọi người.

Ngày của đoàn tụ

Không khí tết đã tràn khắp Hàn Quốc từ những ngày cuối năm âm lịch. Buổi tối trước lúc giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm nước nóng để tẩy trần. Họ còn có truyền thống đốt các thanh tre trong nhà vào lúc giao thừa để xua đuổi tà ma và mang lại bình an.

Trong những ngày tết, họ mặc trang phục truyền thống Hanbok để đi chúc tết. Nhiều gia đình còn có truyền thống khởi đầu năm mới theo nghi thức Charye. Đại gia đình sẽ tụ tập ở nhà người trưởng nam, đồng thời chuẩn bị sẵn một chiếc bàn thấp, trên đó đặt tờ sớ và nhiều món ăn. Mỗi gia đình sẽ cúng bốn đời ông bà tổ tiên. Sau khi thực hiện xong nghi lễ linh thiêng này sẽ đến phần ăn cỗ và vui tết.

Mông Cổ cũng là một trong số ít các quốc gia ở châu Á đón tết cổ truyền theo âm lịch gọi là Tết Tsagaan Sar. Vào đêm giao thừa, người Mông Cổ thường ăn thật no để hy vọng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong năm mới. Tiếp theo, họ làm lễ xuất hành và đi về những hướng mà tử vi mách bảo. Sáng sớm, họ còn nhóm lửa để xua tan cái lạnh của mùa đông, khởi đầu một năm mới. Họ thường diện trang phục truyền thống và quây quần ở nhà của người lớn tuổi nhất trong gia đình để chúc tết. Khi đó, các thành viên sẽ cầm vào những dải vải dài màu xanh da trời gọi là Khadag tượng trưng cho lòng thương yêu và điềm lành năm mới.

Do chịu ảnh hưởng nhiều bởi các phong tục phương Tây nên người Philippines ăn tết từ lễ Giáng sinh. Trước đêm giao thừa, các gia đình bắt tay vào chuẩn bị tiệc để cùng thưởng thức vào đúng nửa đêm. Bàn tiệc thường có trái cây xếp theo hình vòng tròn, biểu thị những đồng tiền xu, với ước vọng đem lại may mắn về tài chính cho gia đình. Sau bữa ăn, tất cả mọi người cùng làm mọi cách để gây ra những tiếng động rộn rã nhất và đốt pháo với niềm tin tiếng động sẽ xua đi ma quỷ. Tết Nguyên đán là một dịp lễ nổi bật tại Singapore, từ ngày 23 tháng Chạp, người Singapore đốt hình nhân để tiễn ông Táo về trời. Môi của ông Táo được quết mật ong, đường và rượu ngọt để ông chỉ báo cáo những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng. Những ngày này, người ta hay trao nhau những trái quýt căng mọng, ngọt ngào vì quýt chính là biểu tượng của sự may mắn. Tất cả những tặng vật đều “có cặp, có đôi”, vì người dân Singapore tin rằng số lẻ là biểu tượng của sự không may, không tốt lành…

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục