Hãng Reuters đưa tin, dự báo mới nhất của LHQ cho biết các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm nay.
Nhưng các chuyên gia của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này cũng cảnh báo nguy cơ về một cuộc suy thoái mới tại các nước giàu có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trên tới 1%.
Ông Ajay Chhibber, Trợ lý Tổng thư ký LHQ cảnh báo, nếu các nền kinh tế phát triển rơi trở lại suy thoái, thế giới cần xem xét lại các dự báo về tăng trưởng. Tác động của cuộc suy thoái mới tiềm tàng ở các nền kinh tế bên bờ vực vỡ nợ cao như Hy Lạp, Tây Ban Nha… đang phủ bóng đen lên những dự báo lạc quan về quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Dự báo của LHQ về tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á thấp hơn dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo ADB, các nền kinh tế này có thể đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tới 7,5% trong năm 2010 và 7,3% trong năm tiếp theo. Cả LHQ và ADB đều nhấn mạnh tính đa dạng về trình độ phát triển của 45 nền kinh tế đang phát triển ở châu Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia sẽ đối phó tốt hơn so với các nền kinh tế nhạy cảm với xuất khẩu như Singapore, Malaysia… nếu thế giới suy thoái do chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro.
Gần một tháng sau khi được Liên minh châu Âu (EU) nhất trí, khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã bắt đầu thành lập quỹ cứu trợ chống khủng hoảng trị giá 750 tỷ EUR (gần 1.000 tỷ USD) để giúp các nước trong khu vực gặp khó khăn về tài chính như Hy Lạp.
Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng EUR, Thủ tướng Luxemburg, Jean-Claude Juncker, tuyên bố quỹ ra đời giúp xoa dịu những lo ngại của giới đầu tư trên thị trường về nguy cơ một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... có thể “theo vết xe đổ” của Hy Lạp. Những lo ngại này đã liên tiếp đẩy giá EUR xuống mức thấp so với USD.
Những ngày qua, Anh cũng thừa nhận tình hình ngân sách khó khăn hơn dự kiến và Hungary phải cảnh báo về nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng như Hy Lạp. Do Anh và Hungary không thuộc khu vực đồng euro, nên những cảnh báo này càng khiến giới kinh doanh lo ngại về nguy cơ bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính mới trên toàn EU và điều này càng đẩy lòng tin khu vực đồng euro xuống thấp.
Để củng cố hơn nữa các quy định nhằm tránh tình trạng các nước liên tục phá vỡ nguyên tắc về ngân sách, các nước EU đã nhất trí xây dựng thêm các biện pháp trừng phạt, như trừng phạt sớm những nước để mức thâm hụt ngân sách gần đến mức trần quy định chung là 3% GDP hay phớt lờ những cảnh báo từ EU.
N.PHƯƠNG