
Giá dầu thế giới tăng cao đã đẩy người tiêu dùng tại nhiều nước vào tình thế hết sức khốn khó. Tình trạng “chảy máu xăng dầu” đã xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhất là những khu vực biên giới giữa các nước có sự chênh lệch về giá xăng. Hiện tại, giá một lít xăng tại Malaysia khoảng 2,7 ringgit (0,83 USD), thuộc loại rẻ nhất châu Á.
Trong nhiều tháng qua, dòng xe hơi và xe gắn máy nối đuôi nhau từ Thái Lan và Singapore “thẳng tiến” tới các cây xăng ở Malaysia đã làm nhà chức trách Malaysia đau đầu. Lý do đơn giản là giá xăng dầu ở Malaysia rẻ hơn ở hai nước kia. Ước tính mỗi ngày có hàng trăm lượt xe cộ qua lại biên giới Malaysia chỉ để đổ xăng. Phó Thủ tướng Malaysia Najib Razik đau xót nói: “Tiền thuế của người dân dùng để trợ giá xăng dầu rốt cuộc đã rơi vào những người không đóng thuế”.
Ước tính trong năm 2008, Malaysia bù lỗ xăng dầu lên đến 17 tỷ USD do giá dầu thế giới tăng cao. Để đối phó với tình trạng này, Chính phủ Malaysia đã đưa ra hàng loạt biện pháp. Trước mắt là cấm buôn bán xăng xuyên biên giới. Thứ hai là áp dụng chính sách hai giá tại các cây xăng ở khu vực biên giới. Giá cho người nước ngoài sẽ cao hơn giá cho người trong nước. Hệ thống giá đôi này sẽ áp dụng cho khoảng 500 cây xăng trong vòng bán kính 50km tại khu vực biên giới phía Bắc giáp Thái Lan và phía Nam giáp Singapore.

Xe hơi xếp hàng tại một cây xăng ở gần biên giới Malaysia.
Nếu dân Thái Lan và Singapore sang Malaysia đổ xăng thì dân Malaysia cũng vượt biên giới sang Brunei tìm xăng rẻ hơn. Điều này đã buộc Chính phủ Brunei cũng phải áp dụng hai loại giá xăng tại khu vực biên giới giáp Malaysia.
Cụ thể, giá xăng tại Brunei bán cho người nước ngoài là 1,18 dollar Brunei (0,87 USD)/lít, gấp đôi so với giá 53 cent Brunei (0,39 USD)/lít bán cho người dân Brunei. Điều đáng nói là ngay cả một nước giàu dầu mỏ như Brunei cũng có nhiều chính sách tiết kiệm xăng dầu. Ngoài việc áp dụng giá nhiên liệu cao cho người nước ngoài, nước này cũng đã phát động chiến dịch kêu gọi người dân không được lãng phí tài nguyên năng lượng. Năm 2007, Brunei đã phải trợ cấp 151 triệu USD xăng dầu cho giao thông ở nước này.
Tại khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico cũng diễn ra tình trạng tương tự đến nỗi gây ra cảnh tắt nghẽn xe cộ tại đây và khiến hàng trăm cây xăng của Mexico nhanh chóng cạn. Giá xăng tại Mexico chỉ bằng một nửa so với Mỹ. Nhiều người Mỹ cho biết nếu cứ xài xăng Mexico thì mỗi tháng họ tiết kiệm được 100 USD. Trung bình, giá một gallon (3,78 lít) xăng ở Mỹ là 4 USD, mắc hơn 1,4 USD so với Mexico. Đó là chưa kể khu vực gần biên giới Mexico như thành phố San Francisco, Los Angeles giá xăng tới 4,5 USD/gallon. Dầu diesel tại Mexico còn ở mức “rẻ bất ngờ” so với Mỹ. Giá 1 gallon dầu diesel tại bang Arizona của Mỹ là 4,64 USD trong khi tại Mexico chỉ có 2,25 USD.
Tại vùng biên giới giữa Pakistan và Afghanistan, tình trạng thiếu hụt xăng dầu lên đến mức báo động khi nhiều hoạt động đều phải ngừng do các cây xăng cạn kiệt. Đây là hậu quả của tình trạng xăng dầu buôn lậu từ Pakistan sang Afghanistan. Giá xăng tại Pakistan chỉ ở mức 52 rupee (gần 0,8 USD)/lít trong khi tại Afghanistan giá là 75 rupee (1,2 USD)/lít. Ước tính mỗi ngày, lượng xăng dầu của Công ty Xăng dầu quốc gia Pakistan tràn qua Afghanistan lên đến hàng triệu lít.
Theo các nhà phân tích, sự chênh lệch trong chính sách trợ giá là nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch giá xăng dầu giữa các nước dẫn đến tình trạng “chảy máu xăng dầu”. Điều này đang tạo ra áp lực cho chính sách trợ giá xăng dầu của nhiều chính phủ. Tuy nhiên, trước mắt vấn đề này khó có khả năng thay đổi do đặc điểm riêng của từng nước.
KHÁNH MINH tổng hợp