(SGGPO).- Hôm qua, 10-2, Hội nghị các nước vùng biển Baltic đã khai mạc tại thủ đô Helsinki, Phần Lan với chủ đề Nỗ lực hợp tác và hành động khẩn cấp để cứu vùng biển ô nhiễm nhất trên thế giới. Tham dự hội nghị có các nhà lãnh đạo cấp cao 9 nước ven biển Baltic gồm: Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Estonia, Latvia, Lithuania, Na-Uy, Đức, cùng khoảng 350 đại biểu, đại diện cho giới kinh doanh, nghiên cứu khoa học và các tổ chức phi chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Tarja Halonen, Thủ tướng Nga Vladimir Putin, và một số quan chức các nước đã khẳng định sự cần thiết hợp tác và phối hợp hành động khẩn cấp của tất cả các nước trong khu vực để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển Baltic hiện nay, đồng thời nhấn mạnh đây là nhiệm vụ không chỉ vì lợi ích kinh tế của các quốc gia, mà còn liên quan đến lợi ích kinh tế của toàn khu vực.
Các nhà lãnh đạo coi đây là việc làm cấp thiết, bởi biển Baltic là một tuyến giao thông quan trọng đối với du lịch và thương mại, nhưng trong nhiều thập kỷ qua, vùng biển này đã trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa sự tồn tại của hệ thống sinh thái biển.
Các quan chức cũng như các nhà khoa học dự hội nghị đều khẳng định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các hoạt động khai thác hải sản bừa bãi. Hơn nữa, trong nhiều thập kỷ gần đây, biển Baltic đã bị biến thành "bãi rác" với hàng chục nghìn tấn chất thải, kể cả chất thải hữu cơ và rác thải công nghiệp của các nước trong khu vực.
Trong nhiều năm qua, các nước Nhóm hành động biển Baltic (BSAG) đã có những hành động tích cực và thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ sinh thái biển Baltic, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để cứu vùng biển này trước tình trạng ô nhiễm nặng tăng nhanh do những hành động thiếu trách nhiệm, khiến Baltic trở thành vùng biển ô nhiễm nhất trên thế giới.
Biển Baltic có độ sâu trung bình 59m, với hơn 90 triệu dân từ 14 quốc gia trong lưu vực. Mối đe dọa lớn nhất đối với biển Baltic hiện nay là lưu lượng vận tải hàng hoá lớn, đặc biệt việc vận chuyển dầu khí đang tăng mạnh. Ước tính đến năm 2015 sẽ có 250 triệu tấn dầu được vận chuyển qua vùng biển Baltic, so với hiện nay là 150 triệu tấn dầu.
Trận bão lớn năm 2007 ở khu vực này đã phá huỷ hàng chục tàu thuyền và làm loang ra biển gần 100 tấn dầu, gây hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng cho khu vực trong một thời gian dài.
B.B (Theo THX)