Các nước lớn tranh thủ ảnh hưởng Trung Á

Chuyến thăm Kazakhstan của Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa kết thúc ngày 7-12. Báo chí Pháp nhận định rằng sau Mỹ, nhiều nước khác cũng đang muốn gây ảnh hưởng tại khu vực sân sau của Nga này bởi đây là nguồn dầu khí không xa Trung Quốc và châu Âu.
Các nước lớn tranh thủ ảnh hưởng Trung Á

Chuyến thăm Kazakhstan của Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa kết thúc ngày 7-12. Báo chí Pháp nhận định rằng sau Mỹ, nhiều nước khác cũng đang muốn gây ảnh hưởng tại khu vực sân sau của Nga này bởi đây là nguồn dầu khí không xa Trung Quốc và châu Âu.

Năng lượng hạt nhân là một trong những thế mạnh của Kazakhstan.

Mỹ bỏ lại Trung Á

Tờ Le Monde Diplomatique của Pháp số ra tháng 12-2014 cho rằng tuy không thu hút sự chú ý như khu vực Đông Nam Á, nhưng vùng Trung Á cũng có một vị thế chiến lược quan trọng, đã và đang là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, Nga và Trung Quốc. Bài viết đề cập đến 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây là: Tajikistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan và Turkmenistan. 5 nước này có quá trình phát triển kinh tế và chính trị rất khác biệt.

Theo Le Monde Diplomatique, Uzbekistan vẫn còn là nước nông nghiệp, trong khi đó Turkmenistan và Kazakhstan phát triển nhờ vào nguồn khí đốt và dầu hỏa. Một mình Kazakhstan đóng góp đến 2/3 GDP của khu vực. Hai nước còn lại là Kyrgyzstan và Turkmenistan thì lệ thuộc vào nguồn tiền do kiều dân của họ ở các nước gửi về: chiếm 35% GDP đối với Kyrgyzstan và 50% GDP đối với Tadjikistan.

Do lịch sử để lại, khu vực biên giới này hiện có nhiều điểm không rõ ràng, dẫn đến những tranh chấp lãnh thổ thường xuyên. Đó là chưa kể nguy cơ bất ổn khác, như khủng bố. Từ năm 1999, Mỹ đã có ý xây dựng khu vực này thành  “Con  đường tơ lụa” mới. Sự hiện diện của quân đội Mỹ vào năm 2001 ở Afghanistan và sau đó là ở Kyrgyzstan đã khẳng định chiến lược của Washington ở khu vực Trung Á. Thế nhưng, hơn 10 năm trôi qua, Mỹ gần như thất bại khi rút quân khỏi Afghanistan trong khi nước này vẫn đang chìm trong bất ổn. Mỹ cũng rút khỏi căn cứ tại Manas ở Kyrgyzstan để nhường ảnh hưởng lại cho Nga. Thêm vào đó, Mỹ đã không còn tập trung ở vùng Trung Á, mà dịch chuyển về phía Đông, khu vực có nhiều lợi ích đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn thế giới.

Chính sách cân bằng chiến lược của Trung Á

Tại Trung Á, Turkmenistan và Uzbekistan theo xu hướng độc lập, trong khi ba nước còn lại vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào Nga. Đặc biệt, Kazakhstan là một trong 3 nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) với tổng số dân 170 triệu người và tổng GDP khoảng 2,4 ngàn tỷ USD, sẽ hình thành vào ngày 1-1-2015. Kazakhstan và Nga đang trong tiến trình xây dựng hệ thống phòng thủ chung theo tinh thần của Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO - bao gồm Nga, Kazakhstan  Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan).

Nếu Nga đẩy lùi sự ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Á, thì hiện tại Trung Quốc đang nổi lên để cạnh tranh với Nga. Theo tờ báo, 5 nước trong khu vực này đã khéo léo sử dụng chiêu bài cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc. Tức là hợp tác cùng một lúc với nhiều cường quốc để tạo đối trọng nhau. Tuy nhiên, tầm nhìn Trung Á của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu định hình rõ trong thời gian gần đây sau khi nước này trở thành đối tác thương mại số một của Tajikistan, Turkmenistan và Kyrgyzstan, là đối tác thương mại thứ hai của Uzbekistan và Kazakhstan.

Pháp cũng dòm ngó vùng Trung Á. Điều đó được thể hiện qua chuyến thăm chính thức Kazakhstan bắt đầu vào ngày 5-12 của Tổng thống Pháp François Hollande. Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết, Kazakhstan vốn thu hút nhiều sự quan tâm của Pháp: Tổng thống François Mitterrand đã thăm Kazakhstan vào năm 1993, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã thăm nước này vào năm 2009 và giờ là Tổng thống Hollande. Kazakhstan là nước hàng đầu thế giới về sản xuất uranium, tương lai sẽ là nước xuất khẩu dầu hỏa thứ hai thế giới. Đó là chưa kể nhiều nguồn nguyên liệu khác, đặc biệt là than. Theo AP, trong bối cảnh Nga đang dùng dầu khí trừng phạt EU thì Kazakstan sẽ là lựa chọn sáng suốt.

KHÁNH MINH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục